Thực trạng và giải pháp về phân loại rác thải tại nguồn ở Đông Hà

Từ tháng 11/2021-11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu 'Sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại rác thải tại nguồn ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị: Thực trạng và giải pháp'.

Người dân TP. Đông Hà phân loại rác thải tại hộ gia đình -Ảnh: T.N

Đề tài nghiên cứu đã thực hiện khảo sát bằng phiếu, phỏng vấn sâu và thảo luận với 200 hộ gia đình trên địa bàn TP. Đông Hà. Ngoài ra, đề tài còn thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với đại diện của Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, Phòng TN&MT TP. Đông Hà, Công ty Môi trường Đô thị, UBND phường Đông Thanh và cán bộ phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố...

Đề tài được triển khai nhằm phân tích thực trạng sự tham gia của hộ gia đình và các yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Từ đó đưa ra các kiến nghị về giải pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh của địa phương nhằm tăng cường sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại CTRSH tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

Theo đó, các hộ gia đình tham gia khảo sát đã được phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và biết các quy định về phân loại CTRSH tại hộ gia đình. Qua đó, cho thấy nhận thức của người dân tại các hộ gia đình tham gia khảo sát về 3 loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn thấp. Rất ít người nói ra được đúng 3 loại rác.

Một số loại CTRSH khác (đồ bằng gốm, sứ, thủy tinh vỡ) hay một số loại CTRSH tái chế (các vật dụng bằng kim loại hỏng, các vật dụng có ký hiệu PET,PE, PP, PS...) còn nhiều người phân loại chưa đúng. Đề tài nghiên cứu còn cho thấy 90% người dân tham gia khảo sát khẳng định họ sẵn sàng thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình.

Trong đó, đa số (74%) sẵn sàng thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình khi có thông báo, hướng dẫn và khi có sự hỗ trợ dụng cụ phân loại và xử lý rác. Như vậy, ở giai đoạn hiện tại, việc thúc đẩy các hộ gia đình tham gia phân loại CTRSH cần có sự hỗ trợ và khuyến khích từ phía chính quyền địa phương để giúp họ hình thành thói quen phân loại CTRSH trước khi xử lý hay đưa ra các điểm thu gom thông qua tập huấn nâng cao nhận thức và hỗ trợ dụng cụ phân loại và xử lý CTRSH.

Về nhận thức, đa số người dân nhận thấy vai trò quan trọng của việc phân loại CTRSH tại hộ gia đình. Tuy nhiên, người dân ở các hộ gia đình tham gia khảo sát ở TP. Đông Hà có ý định thực hiện phân loại CTRSH chưa thường xuyên. Người có đất vườn thực hiện hành vi phân loại rác thường xuyên hơn những người không có đất vườn.

Trong gia đình, người vợ thực hiện hành vi phân loại CTRSH (83%) nhiều hơn gấp hơn 3 lần người chồng (24%) và con (25%). Kết quả này cho thấy, việc thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình chủ yếu là phụ nữ. Do đó, các yếu tố thúc đẩy người dân thực hiện phân loại CTRSH cần có sự khuyến khích của các thành viên trong gia đình. Chính quyền địa phương đưa ra các hướng dẫn, có các yêu cầu cụ thể và sự đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng như có xe thu gom rác riêng, xử lý rác riêng để người dân thực thi các quy định về việc phân loại CTRSH.

Đề tài cũng đã chỉ ra những khó khăn trong việc thực hiện các quy định về phân loại rác thải tại nguồn đối với hộ gia đình và cá nhân theo Luật Bảo vệ môi trường và các quy định xử phạt hành chính theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Trước hết là nhận thức của người dân về cách thức phân loại CTRSH, các quy định của luật còn hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng để thực hiện mục tiêu phân loại CTRSH. Hầu hết CTRSH từ hộ gia đình hiện nay vẫn đang thu gom chung, xử lý chung dẫn đến người dân nhận thấy việc phân loại của họ là không có giá trị. Các mô hình phân loại CTRSH tại nguồn đã được triển khai thường không hiệu quả do thiếu sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng và thiếu sự đồng bộ của hệ thống thu gom, xử lý rác.

Các giải pháp thu gom và xử lý CTRSH ở khu vực đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Như vậy có thể thấy, người dân ở TP. Đông Hà được tham gia khảo sát đã thực hiện phân loại rác nhưng chưa thường xuyên và chưa đúng theo quy định. Về mặt nhận thức, người dân có nhận thức khá tốt về vai trò của việc phân loại CTRSH, tuy nhiên, nhận biết về các loại rác vẫn còn ở mức trung bình.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTRSH và tăng cường năng lực thực thi của các bên liên quan; nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý CTRSH. Tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý, ứng dụng giải pháp về công nghệ thông tin trong công tác quản lý CTRSH.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng các khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với việc xử lý CTRSH ở khu vực đô thị. Đề tài cũng là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện Đề án phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị chủ trì.

Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về việc thực thi quy định phân loại CTR, thu gom rác sau khi triển khai đề tài để đánh giá sự sẵn sàng của người dân đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc phân loại rác thải tại hộ gia đình.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thuc-trang-va-giai-phap-ve-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-o-dong-ha/181693.htm