Thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay

QĐND - LTS: Trong những tháng đầu năm 2012, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả khá tích cực: Lạm phát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Trước thực trạng đó, ngày 10-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây là Nghị quyết được đông đảo các doanh nghiệp, giới doanh nhân và quân dân cả nước mong đợi, kỳ vọng.

Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài của các chuyên gia kinh tế về quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đường Trường Sơn Đông. Ảnh: Trường Sơn

Những tín hiệu tích cực

Năm 2012, đặc biệt trong nửa đầu năm, đã được cảnh báo như là một trong những năm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam và thế giới.

Thực tế 4 tháng đầu năm 2012 cho thấy những tín hiệu khả quan về kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I-2012 thấp xa so với tốc độ tăng bình quân quý I trong 8 năm trước. CPI tháng 4-2012 chỉ tăng 0,05% và là tháng thứ 8 liên tiếp tăng chậm lại so với tháng 12-2010. Tính đến hết tháng 4-2012, chỉ số CPI tăng 2,6% so với tháng 12-2011.

Quý I-2012, cả nước có hơn 2.400 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và hơn 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 62,18%. Trong quý I-2012, cả nước có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 100,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp ngày 20-4-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Điểm tích cực nữa là chỉ số giá lương thực sau Tết giảm nhẹ, cước bưu chính viễn thông tiếp tục xu hướng liên tục giảm. Giá cả một số hàng tiêu dùng trong siêu thị giảm bớt nhờ đợt “khuyến mại trái mùa” của một số siêu thị những tháng sau Tết, giúp người nghèo dễ thở hơn. Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy, khả năng hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 xuống một con số được xác lập bởi những nhân tố tích cực, như: Nhận thức và quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất; sự nhất quán chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo hướng tiếp tục thắt chặt, giảm bớt khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; xúc tiến đổi mới mô hình và cơ chế phát triển; sự dồi dào của các nguồn hàng hóa và lao động; sự năng động và bản lĩnh thương trường của đội ngũ doanh nghiệp; vị thế quốc tế và lòng tin của thế giới đối với tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam ngày càng được củng cố ....

Tính đến hết tháng 4-2012, cả nước có tổng nhập siêu khoảng 176 triệu USD, bằng khoảng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Cơ cấu chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cải thiện cả về nguồn vốn và lĩnh vực thu hút (FDI giải ngân là 400-600 và 1.500 triệu USD). Đặc biệt, khác với năm 2011, những tháng đầu năm 2012 cho thấy sự hồi phục lòng tin và nhu cầu về trái phiếu chính phủ, với kết quả đấu thầu thành công trái phiếu Chính phủ khả quan hơn nhiều so với năm trước.

Ngoài ra, những dấu hiệu cải thiện trong 4 tháng đầu năm 2012 về sản xuất điện (tăng 15,1%), khai thác dầu thô (tăng 10,3%), phát triển nông nghiệp, tính thanh khoản ngân hàng và dự trữ ngoại hối cũng được ghi nhận.

Những dấu hiệu quan ngại

Điểm nhấn nổi bật của bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, dừng hoạt động có thời hạn hoặc không phát sinh doanh thu, thua lỗ, phá sản, nợ nần chồng chất và thu hẹp sản xuất-kinh doanh, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu khó khăn trong khi sức mua và thị phần trong nước thu hẹp... Nhiều doanh nghiệp không nộp thuế, bỏ trốn hoặc không thực hiện nổi các nghĩa vụ tài chính, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế-xã hội ở cả cấp vĩ mô và vi mô. Tình trạng vay "nóng" hay siết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và doanh nghiệp, dù là đại gia như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vinacafe Buôn Ma Thuột, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiểu thủ công nghiệp. Không ít doanh nghiệp chuyển sang “buôn chuyến”, từ sản xuất chuyển qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng nuôi nhân sự; không đủ động lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…

Khảo sát 319 doanh nghiệp nhà nước, 7.343 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 711 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cho thấy, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm gần 4,3%. Loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 9,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 2,7%, thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2,6%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29-4-2012

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo gửi Thủ tướng trước thềm phiên họp thường kỳ tháng 4-2012 của Chính phủ, cũng nhấn mạnh, trong quý I-2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc, cũng như số lượng lao động…, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản hay có ngành nghề liên quan (như kinh doanh, môi giới bất động sản, tư vấn thiết kế, kiến trúc, san lấp, xây dựng, giám sát, thi công công trình, sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất...), công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I-2012 ước đạt 4% , thấp hơn so cùng kỳ nhiều năm trước (năm 2011, GDP của Việt Nam tăng 5,89% so với năm 2010, trong đó quý I tăng 5,57%; quý II tăng 5,68%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,10%). Điều đáng ngại là mức tăng GDP công nghiệp quá thấp (2,94%), chỉ xấp xỉ mức tăng của nông nghiệp (2,84%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2012 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011 là mức tăng rất thấp. Một số nhóm hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu như dệt may, giày dép và có độ phụ thuộc cao vào nguyên vật liệu nhập ngoại... thì nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào của nhóm hàng này trong các tháng đầu năm 2012 giảm mạnh, cho thấy khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu thời gian tới. Lượng gạo xuất khẩu mới bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến 1-4-2012 đã tăng 32,1%, là mức cao so với cùng thời điểm năm trước.

Trước thực trạng đó, ngày 10-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Việc ban hành Nghị quyết 13 vào lúc này là hết sức cần thiết .

Trong 6 yếu tố cản trở lớn nhất hoạt động của các doanh nghiệp, thì lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở hàng đầu (chiếm 27,5%, hiện có tới 70% doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất hơn 17%/năm, thậm chí có tới 15,7% doanh nghiệp đang vay với lãi suất hơn 20%); lạm phát cao và biến động thất thường là cản trở thứ hai (19,2%); tiếp đến là khó khăn tiếp cận vốn vay (17,5%); chi phí vận tải cao, cung ứng điện và chính sách điều hành kinh tế không ổn định. Trong số 706 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có 69,4% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,4% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 15,1% không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% khó khăn về địa điểm sản xuất; 4,4% doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề và 4,7% do sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/188656/Default.aspx