Thực hư xung quanh cáo buộc Mỹ 'tiếp tay' cho IS

Nga mới đây một lần nữa lên tiếng cáo buộc Mỹ tiếp tay cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Việc Nga nhiều lần lặp lại cáo buộc này không khỏi khiến dư luận băn khoăn về mức độ thực hư của thông tin Mỹ, quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, lại đang tài trợ cho khủng bố...

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11-10 đã đề nghị Washington giải thích lý do lực lượng Mỹ lại “làm ngơ” khi ít nhất 300 phiến quân khủng bố được cho là đang đi lại “nhởn nhơ” trong khu vực mà Mỹ kiểm soát tại Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, có khoảng 600 tay súng đã thâm nhập vào khu vực giảm căng thẳng phía Đông từ khu vực do Mỹ kiểm soát tại Syria, đồng thời cáo buộc phía Mỹ đã tiếp tay cho các phần IS và phá vỡ tiến trình hòa bình tại Syria. Ông tuyên bố, Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu thỏa thuận thiết lập khu vực giảm căng thẳng ở miền Nam Syria bị sụp đổ.

Theo người phát ngôn Igor Konashenkov, từ ngày 2 đến 3-10 vừa qua, gần 600 tay súng từ trại tị nạn Rukban đã di chuyển theo hướng Tây một cách có tổ chức trên các xe ô tô địa hình. Sau khi vượt qua quãng đường dài 300km, lực lượng này đã đến trạm hải quan cũ Tafas ở phía Nam khu vực giảm căng thẳng đúng vào thời điểm có hai đoàn xe chở tổng cộng 90 tấn thuốc và thực phẩm cho người dân địa phương cũng đến khu vực này. Lợi dụng thời cơ, các tay súng đã chiếm toàn bộ số thuốc men và thực phẩm nói trên. Ông Igor Konashenkov cho rằng “đây không phải sự tình cờ ngẫu nhiên”, ám chỉ cáo buộc phía Mỹ đã tiếp tay cho các phần tử khủng bố.

Xe của quân đội Mỹ hoạt động tại Syria. Ảnh: AP

Ông Igor Konashenkov cho biết thêm: Đến nay, Washington chưa đưa ra lời giải thích vì sao 300 tay súng IS lại có thể đi trên xe ô tô lọt qua được khu vực do Mỹ kiểm soát tại thành phố Al-Tanf của Syria. Các phần tử này sau đó còn tìm cách phong tỏa tuyến đường bộ Damascus - Deir al-Zor vốn là tuyến đường quan trọng đối với quân đội Syria và là tuyến đường tiếp tế hàng viện trợ cho người dân.

Trong khi đó, Giám đốc Vụ Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Nga Georgiy Borisenko cho rằng, hành động “bất thường” của Mỹ gần căn cứ Al-Tanf dường như muốn chia cắt Syria. “Chúng tôi rất ngạc nhiên về điều đó, nhưng sẽ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất kể hành vi nào liên quan tới khủng bố đều rất nguy hiểm và có thể sẽ dẫn tới hậu quả "gậy ông đập lưng ông”, ông Borisenko nói.

Nga còn cáo buộc Mỹ có động thái cố ý giảm các cuộc không kích ở Iraq nhằm tạo điều kiện cho phiến quân IS vào Syria để làm chậm bước tiến quân sự của binh sỹ chính phủ nước này. Nga cũng đặt nghi vấn liệu có hay không việc Mỹ thay đổi chiến thuật nhằm làm cản trở chiến dịch của quân đội Syria và đẩy phiến quân IS tháo chạy từ Iraq vào Syria theo con đường mà Nga từng tấn công trong chiến dịch không kích trước đó.

Trước các cáo buộc mới nhất của Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ đã kịch liệt bác bỏ và cho rằng, liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS đã đăng tải thông tin và các dữ liệu hàng ngày về số lượng cũng như kết quả các cuộc không kích cho công chúng tham khảo. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Manning miêu tả lời cáo buộc của Nga là hoàn toàn sai, khẳng định cam kết tiêu diệt IS và ngăn chặn lực lượng này có nơi trú ẩn an toàn.

Việc bất đồng Nga-Mỹ ở Syria vốn không phải là chuyện mới mẻ nhưng căng thẳng đôi bên gia tăng vào thời điểm cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq đang ở giai đoạn quyết định không khỏi khiến dư luận lo ngại. Không ai có thể khẳng định mức độ xác thực của thông tin Mỹ tiếp tay cho IS nhưng rõ ràng phần nào đã cho thấy sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria có vấn đề và thiếu chặt chẽ. Cuộc chiến chống IS ở Syria phức tạp do có nhiều thành phần tham gia với những toan tính lợi ích khác nhau, trong đó Nga và Mỹ là những nhân tố chính mang tính quyết định hiện nay bởi có tiềm lực quân sự mạnh.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Nga tố cáo Mỹ hỗ trợ IS. Hồi tháng trước, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Franz Klintsevich nói rằng gần như chắc chắn 100% Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng để sơ tán hàng chục chỉ huy IS khỏi thành phố Deir al-Zor.

Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự chống IS tại Syria và Iraq, Mỹ liên tiếp bị cáo buộc hỗ trợ cho IS và báo chí Mỹ khó có thể bưng bít mãi vì việc này được cho là diễn ra không ít lần. Thậm chí, có tin cho biết máy bay trực thăng Mỹ còn nhiều lần bay qua vùng lãnh thổ do IS kiểm soát mà không vấp phải bất kỳ một phản ứng nào từ lực lượng khủng bố. Ngoài ra, máy bay của liên quân còn được biết là “thả nhầm” vũ khí, nhu yếu phẩm xuống khu vực do IS chiếm đóng. Nhất là việc IS sử dụng hàng loạt vũ khí tối tân do Mỹ, Israel sản xuất để chống lại quân đội Syria đã được nhiều người biết đến.

Mỹ cũng bị cáo buộc đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Hồi đầu tháng này, tuy không nhắc trực tiếp nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi cộng đồng quốc tế từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế tại một hội nghị được tổ chức ở Krasnodar của Nga. Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các nghị quyết chính của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong lĩnh vực chống khủng bố. Theo ông, những hoạt động chống khủng bố quyết liệt tại Syria và Iraq hiện chưa tiêu diệt được hoàn toàn cơ sở hạ tầng và tiềm năng chiến đấu của các tổ chức khủng bố bởi không có sự phối hợp thực sự giữa các quốc gia.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thuc-hu-xung-quanh-cao-buoc-my-tiep-tay-cho-is-520891