Thực hư đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã tại Ba Lan

Một nhà thám hiểm người Ba Lan vừa tuyên bố đã tìm được đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã tại Walbrzych - một thị trấn vùng Tây Bắc của Ba Lan.

Một đoạn đường hầm được cho là gần khu vực chứa đoàn tàu chở vàng.

Từ trước đến nay, lời đồn về đoàn tàu chở vô số tài sản giá trị bằng vàng do quân đội Đức Quốc xã cất giấu trong một hệ thống đường hầm kiên cố và chằng chịt như mê cung tại Ba Lan lan truyền rộng rãi.

Kho báu bí mật

Krzysztof Szpakowski - nhà thám hiểm Ba Lan cho biết, ông đã nghiên cứu về kho báu này dựa trên các bằng chứng được thu thập trong hàng chục năm. Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu tuần trước được tổ chức cùng với các nhà chức trách tỉnh Walbrzych, người đàn ông này khẳng định tính xác thực về sự tồn tại của đoàn tàu chở kho báu này. Hiện tại, đoàn tàu nằm trong đường hầm thuộc hệ thống tổ chức Riese - một mạng lưới bao gồm: Đường sắt, đường hầm, đường vành đai và hầm trú ẩn do quân đội Đức Quốc xã xây dựng suốt thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tại vùng núi bao quanh TP Walbrzych. Theo dự đoán của ông, những thứ có thể tìm thấy tại khu vực này sẽ không chỉ là tàu chở vàng mà còn là thiết bị kĩ thuật, vũ khí. Hiện tại, ông Krzysztof Szpakowski và giới chức tỉnh Walbrzych đang tìm kiếm tài trợ cho công việc này.

Ông Krzysztof Szpakowski nói: “Chính quyền Đức Quốc xã đã xây dựng một thành phố ngầm tại khu vực này với diện tích 200 ha để Hitler có thể ẩn náu vài năm trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử”. Thành phố ngầm này có thể bảo vệ được hàng nghìn người.

Tháng trước, Piotr Koper, người Ba Lan và Andreas Richter, người Đức thông báo với thị trưởng Walbrzych về việc họ tìm thấy một đoàn tàu bọc thép dài khoảng 152 m ở khu vực núi đồi bao quanh thành phố. Họ yêu cầu được hưởng 10% giá trị kho báu nếu hướng dẫn quân đội tìm đến địa điểm này.

Trên thực tế, sự tồn tại của đoàn tàu này chưa hề được chứng minh, nhưng Piotr Zuchowski - một quan chức thuộc Cơ quan Bảo vệ di sản Quốc gia Ba Lan từng khẳng định rằng, ông chắc tới 99% là đoàn tàu này có thật, đồng thời tiết lộ rằng ông đã được xem hình ảnh về các toa tàu chụp từ một ra-da mặt đất. Chính quyền Ba Lan đang xem xét một cách nghiêm túc việc cử quân đội đến khu vực họ gọi là “bẫy mìn” này để bảo vệ.

Dự án thành phố ngầm trong lòng đất

Ít nhất, câu chuyện này làm cho lịch sử địa phương có nhiều điều để nói hơn về vai trò của nó trong suốt thời gian chiến tranh. Khi đó, người Đức đã chọn Walbrzych là nơi đặt dự án xây dựng lớn của mình. Trước đó, chính quyền Đức Quốc xã triển khai xây trụ sở hoạt động chính cho Adolf Hitler tại lâu đài Ksiaz cùng lúc với một trong những dự án tuyệt mật được gọi là Riese (Người khổng lồ) bao gồm hệ thống đường hầm và lô cốt khổng lồ. Hiện nay, phần lớn hệ thống này đã không thể tiếp cận được do bị chôn vùi ở độ sâu 50 m dưới mặt đất. Tuy nhiên, tổ hợp này không bao giờ được hoàn thành và bị bỏ rơi trước khi chiến tranh kết thúc. Chính vì thế, mục đích xây dựng nó vẫn là một điều bí ẩn và tạo ra vô số giả thiết.

Albert Speer - một kiến trúc sư người Đức và là một vị tướng dưới thời Đức Quốc xã viết trong cuốn hồi ký rằng nếu họ có thể hoàn tất công trình này, khoảng 20 nghìn người có thể sống ở đó. Zdzislaw Lazanowski - người điều hành thành phố ngầm Osówka (một trong những lô cốt chính thuộc dự án Riese đặt tại dãy núi Sowie) nói: “Nó là một thành phố ngầm được xây dựng làm nơi trú ẩn khi bị tấn công bằng bom nguyên tử. Còn hệ thống đường hầm có thể được dùng để chứa vàng và một số tài sản giá trị khác chống lại quân đội Soviet đang trên đà tiến lên”.

Tadeusz Slowikowski là người thợ mỏ nghỉ hưu tin chắc vào sự tồn tại của kho báu. Ông dành cả tuổi trẻ để đi tìm con tàu đó. Giờ đây, ở tuổi 84, ông kể việc biết về đoàn tàu thật sự tình cờ. Khi ông đang cố gắng tới Pháp sau chiến tranh thì bị quân đội Nga và Đông Đức bắt lại rồi gửi tới Dresden. Tại đó ông gặp một người lính Đức, chính người này kể cho ông nghe về những cái chết không đếm xuể ở Walbrzych trong suốt thời kì chiến tranh và khi người Đức rời bỏ thành phố trước khi kẻ thù của họ tiến vào.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Slowikowski cũng thu thập được tin tức về kho báu từ một số người Đức. Một người trong số đó kể với ông về những đường hầm nằm dưới tòa lâu đài. Một người khác làm việc tại ga Walbrzych trong thời kì chiến tranh kể cho ông nghe về chuyến tàu rời Wroclaw nhưng không ai biết nó đi đâu và chở cái gì. Dấu vết cuối cùng xuất hiện ở khu vực giữa Swiebodzice và Walbrzych. Ông nói: “Đó là nơi hoàn hảo để giấu một con tàu. Khi anh tới đó, anh sẽ thấy nó đang sụp đổ. Vào mùa đông, không khí nóng tỏa ra từ đó khiến tuyết phải tan chảy. Khi tôi đào bới ở đó, tôi nhận ra rằng đấy không phải đá mà là gạch”.

Truyện cổ tích?

Hiện, thị trấn từ thời Trung cổ Walbrzych đang lên “cơn sốt” vàng. Những kẻ săn tìm kho báu chuyên nghiệp xuất hiện nhiều hơn. Khách du lịch tìm đến để thỏa trí tò mò. Cảnh sát và binh lính được cử đến để canh chừng các khu vực nhạy cảm càng khẳng định tính xác thực của thông tin về kho báu.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều tin vào điều đó. Không có bất cứ tài liệu nào ghi lại sự tồn tại của con tàu. Tất cả biết về nó đều từ những nguồn tin không được khẳng định. Một trong những người hiếm hoi vẫn hoài nghi về kho báu là ngài Thị trưởng Walbrzych, Roman Szelemej. Mặc dù câu chuyện tàu chở vàng khiến thành phố của ông trở nên hấp dẫn, ông vẫn giống như những người tiền nhiệm, nghi ngờ về sự tồn tại của khối tài sản kia và coi đó là một câu chuyện để giải trí: “Nếu con tàu thực sự ở đây, nó sẽ tạo ra bước ngoặt trong lịch sử khu vực này”.

Edyta Nawrocka - một ca sĩ địa phương còn sáng tác một bài hát về con tàu chở vàng. Cô cứ ngân nga mãi: “Có một con tàu từ xa đến, chở đầy ắp vàng, kim cương và vũ khí/Tất cả thị trấn Walbrzych đều hạnh phúc/Huyền thoại tàu chở vàng xuất hiện trên mọi tờ báo lớn/Nhưng điều duy nhất vẫn còn là con tàu đang thực sự ở đâu”.

Minh Khôi (Theo Telegraph,Daily Mail và Newsmax)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thuc-hu-doan-tau-cho-vang-cua-duc-quoc-xa-tai-ba-lan-d120598.html