Thực hư cụ ông thọ 152 tuổi

Tuổi thọ luôn là mối quan tâm của con người từ xưa đến nay.

Cụ Thomas Parr (1483 - 1635) và ngôi nhà tranh nơi cụ Thomas Parr sinh sống.

Cụ Thomas Parr (1483 - 1635) và ngôi nhà tranh nơi cụ Thomas Parr sinh sống.

Có nhiều truyền thuyết và huyền thoại từ Đông sang Tây đề cập đến những người sống trên một thế kỷ, trong đó Thomas Parr, ông lão được cho là thọ đến 152 tuổi, có một cuộc đời đầy thú vị. Tuy nhiên, tính xác thực về nhân vật này vẫn còn gây tranh luận.

Tái hôn ở tuổi… 122

Vào ngày 15/11/1635, Thomas Parr, công dân Anh, được an táng tại một ngôi mộ ở Tu viện Westminster cũ. Truyền thuyết cho rằng, cụ ông này sinh vào khoảng năm 1482 hoặc 1483, hưởng thọ đến 152 tuổi. Cụ đã sống qua khoảng mười đời vua khác nhau và từng phục vụ trong quân đội.

Tuổi thọ bất thường của Parr khiến cụ trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Khi đến London để ra mắt nhà vua lúc gần cuối đời, Parr gần như bị ngạt thở bởi đám đông chen lấn để được chạm vào cụ và nghe cụ nói.

Mặc dù bất kỳ người có lý trí nào cũng sẽ hoài nghi về khả năng con người sống thọ đến như vậy, nhưng niềm tin vào Parr được củng cố khi thi thể của cụ được bác sĩ nổi tiếng William Harvey giải phẫu để nghiên cứu. Cũng như nhiều người cùng thời khác, vị thầy thuốc tài giỏi này công nhận tuổi thọ của Parr là có cơ sở.

Hầu hết những gì các nhà sử học biết về cuộc đời của Thomas Parr đều đến từ cuốn sách nhỏ của tác giả John Taylor, xuất bản vào năm cụ Parr qua đời, có tựa đề “The old, old, very old man or the age and very long life of Thomas Parr”.

Trong sách này, tiểu sử của cụ Parr được viết dưới dạng một bài thơ dài. Theo đó, cụ ra đời tại giáo xứ Alberbury, ở Shropshire, Anh. Năm 17 tuổi, cụ lao động nông nghiệp, 18 năm sau thuê một trang trại để tự canh tác.

Trải qua ba đời chủ đất, đến năm 102 tuổi, cụ được cho thuê trọn đời vì người chủ nghĩ cụ không còn sống bao lâu. Thế nhưng người này đã đánh giá sai về tuổi thọ của người thuê, bởi vì Parr đã sống thêm năm mươi năm nữa trên mảnh đất thuê trên.

Cụ sống độc thân cho đến năm 80 tuổi thì kết hôn với người vợ đầu tiên, Jane Taylor. Họ có với nhau hai người con nhưng đều chết từ khi còn nhỏ.

Khi vẫn còn trong cuộc hôn nhân, Parr ngoại tình với một phụ nữ tên là Katherine Milton, người đã sinh cho cụ một người con, lúc cụ đã 105 tuổi.

Khi hành vi phạm tội của bị phát hiện, cụ Parr buộc phải đến nhà thờ giáo xứ để tự đền tội và ăn năn hối lỗi vì không chung thủy với vợ. Mười năm sau cái chết của người vợ đầu tiên, Parr kết hôn lần thứ hai, khi đã 122 tuổi.

Qua đời sau lần gặp nhà vua

Bia mộ của cụ Thomas Parr tại Tu viện Westminster có ghi năm sinh và năm mất.

Bia mộ của cụ Thomas Parr tại Tu viện Westminster có ghi năm sinh và năm mất.

Năm 1635, Thomas Howard, Bá tước thứ 21 của Arundel, đến thăm Parr tại ngôi nhà của cụ ở Shropshire khi cụ đã 152 tuổi và tiếng tăm lan xa khắp nước Anh.

Lúc này, Parr là một ông lão héo hắt, râu tóc bạc phơ, mắt kém và không tự đi lại được. Bá tước Arundel có thiện ý đưa cụ Parr đến London ra mắt vua Charles I, để giới thiệu với ngài một thần dân sống trên 1 thế kỷ.

Sau khi ra mắt nhà vua, ông lão Tom Parr trở thành nhân vật nổi tiếng trong giới quý tộc ở London. Các họa sĩ nổi tiếng của cung đình đã tranh nhau vẽ chân dung cụ, và cụ được mời tiệc tùng thâu đêm, ăn những món ăn ngon nhất.

Thế nhưng ăn uống quá độ và sự thay đổi môi trường cuối cùng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, Parr bị ốm nặng vài tuần sau khi đến thủ đô.

Khi cụ qua đời vào ngày 13/11/1635, vua Charles I đã nhờ bác sĩ riêng của mình, Sir William Harvey, khám nghiệm tử thi Parr để tìm ra nguyên nhân sống thọ của cụ.

Vị bác sĩ thiên tài, người từng phát hiện ra sự lưu thông của máu, đã giải phẫu xác của Parr và báo cáo rằng, tất cả các cơ quan nội tạng của cụ đều khỏe mạnh, ngoại trừ một số dấu hiệu của bệnh viêm phổi và suy tim.

Bác sĩ Harvey kết luận, Parr chết vì ngạt thở do viêm phổi. Ông cũng khẳng định, nếu không rời Shropshire, được sống trong bầu không khí trong lành yên tĩnh ở nông thôn, cùng với chế độ ăn uống đơn giản, ông lão này sẽ còn sống lâu hơn nữa.

Sự thật hay truyền thuyết?

Mặc dù đã có những ghi chép về những người sống trên 100 tuổi trong nhiều thế kỷ trước, nhưng Sách Kỷ lục Guinness Thế giới chỉ bắt đầu theo dõi người già nhất vào năm 1955. Mới đây, sách ghi nhận nữ tu André Randon là người cao tuổi nhất thế giới còn sống. Sơ André sinh ngày 11/2/1904, cho đến ngày được xác lập kỷ lục 25/4/2022, đã sống được 118 năm 73 ngày.

Việc Harvey xác nhận tuổi thọ của Parr đã tạo ra niềm tin ở nhiều người nhưng cũng không tránh khỏi những hoài nghi. Trong tác phẩm Human Longevity, xuất bản năm 1837, tác giả WJ Thoms đã thực hiện cuộc điều tra quan trọng đầu tiên về trường hợp của Parr và không phát hiện bằng chứng đáng tin cậy nào.

Ông không tìm thấy sổ đăng ký khai sinh hoặc tài liệu đăng ký rửa tội để xác định ngày sinh của Parr. Ông cũng không thấy đề cập đến Parr trong hồ sơ của giáo phận ở Shropshire, đặc biệt là ở Alberbury, nơi được cho là đã diễn ra vụ ăn năn, đền tội của ông lão.

Theo nhiều nhà sử học hiện đại, Tom Parr chưa đến một trăm tuổi khi qua đời. Một số ý kiến cho rằng, hồ sơ của Parr đã bị nhầm lẫn với hồ sơ của ông nội cụ, và cái chết của Parr ở độ tuổi hợp lý là từ 70 đến 100 tuổi.

Tuy nhiên, huyền thoại của Parr đã được khắc trên một bia mộ bằng đá tại Tu viện Westminster, ghi rõ cụ sinh năm 1483, thọ 152 tuổi, được an táng vào ngày 15/11/1635.

Một bức chân dung của Parr được treo tại Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Shrewsbury, với dòng chữ “Thomas Parr qua đời ở tuổi 152 và 9 tháng”. Ngoài ra còn có một nhãn hiệu rượu Scotch mang tên cụ, và một nơi được đặt tên Old Parr ở Anh.

Dù không có bằng chứng vững chắc về tuổi thọ của cụ, nhưng Thomas Parr vẫn là một phần thú vị của lịch sử.

Theo Amusingplanet

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-hu-cu-ong-tho-152-tuoi-post634236.html