Thực hiện nghiêm túc công tác luân chuyển cán bộ

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ (CTCB) của Đảng nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong CTCB, khép kín trong từng ngành, địa phương và từng đơn vị.

Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 họp bàn, thống nhất nhiều ý kiến quan trọng về công tác cán bộ.

Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách về CTCB, những năm qua, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện đồng bộ các khâu trong CTCB, chú trọng công tác luân chuyển cán bộ và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, cơ bản bí thư cấp ủy các huyện, thành phố không phải là người địa phương. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã thực hiện Thông báo số 29-TB/TU, ngày 19/5/2021 của BTV Tỉnh ủy về kết quả rà soát thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với các chức danh từ phó trưởng phòng đến phó ngành ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời với thực hiện luân chuyển cán bộ, các cấp ủy đã, đang triển khai đồng bộ giải pháp, toàn diện các mặt CTCB, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, lấy sản phẩm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị là thước đo năng lực cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Với sự chỉ đạo tập trung, gắn với kiểm tra, đôn đốc, các mặt CTCB của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có chuyển biến rõ rệt. Cán bộ được điều động, luân chuyển có dịp cọ xát với thử thách mới, được rèn luyện, ngày càng trưởng thành qua thực tiễn, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các tình huống khó khăn tại cơ sở, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo hệ thống chính trị địa phương.

Tuy nhiên, CTCB còn nhiều hạn chế như: cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chưa phát huy được trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo CTCB của địa phương, cơ quan, đơn vị. Còn có tình trạng bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở một số huyện chưa đúng với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

Nhằm tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất trong CTCB, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 23-QĐ/TU, ngày 28/9/2022 về luân chuyển cán bộ. Theo đó, phạm vi luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị. Luân chuyên dọc từ tỉnh về huyện, từ huyện lên tỉnh đối với cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý; từ huyện về xã, từ xã lên huyện đối với cán bộ diện BTV Huyện ủy quản lý. Luân chuyển ngang, cấp tỉnh: giữa các sở, ban, ngành; giữa các cơ quan Đảng với MTTQ và các đoàn thể CT-XH; giữa các sở, ban, ngành với các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể CT-XH và ngược lại. Đối với cấp huyện, giữa các huyện, thành phố và ngược lại; giữa các phòng, ban; giữa các cơ quan Đảng với MTTQ và các đoàn thể CT-XH; giữa các phòng, ban với các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể CT-XH và ngược lại; từ xã, phường, thị trấn sang xã.

Đối tượng, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp: Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư Huyện ủy và tương đương; Chủ tịch UBND cấp huyện; cấp trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; cấp trưởng các phòng, ban, đơn vị cấp huyện (trừ các cơ quan, đơn vị, phòng, ban có chuyên môn đặc thù).

Đối với các cơ quan ngành dọc T.Ư: Các chức danh bố trí không là người địa phương, không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp thực hiện theo Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị và quy định của ngành dọc T.Ư. Nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển, cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí...

Việc ban hành Quy định số 23-QĐ/TU về luân chuyển cán bộ của BTV Tỉnh ủy nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của T.Ư về CTCB, đặc biệt là Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ để thay thế Quy định số 98-QĐ/TW nhằm thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ một cách đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định, góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ và chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện CTCB và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột phá, tăng cường quản lý đất đai, môi trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển bền vững, tiếp tục đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/171616/thuc-hien-nghiem-tuc-cong-tac-luan-chuyen-can-bo.htm