THỰC HIỆN HÀI HÒA, HỢP LÝ 3 ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC VỀ THỂ CHẾ, NHÂN LỰC, KẾT CẤU HẠ TẦNG

Thực hiện 3 đột phá chiến lược là một trong những vấn đề được Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần thực hiện hài hòa, hợp lý 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, kết cấu hạ tầng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, vấn đề cải cách thể chế là một trong những nội dung trọng tâm, nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cũng như cử tri, nhân dân cả nước. Đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Bên cạnh đó, hiện nay thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển. Vì vậy, đại biểu đặt câu hỏi, nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, có ba đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa ra lựa chọn đột phá nào trong 3 đột phá chiến lược này cũng phải hài hòa, hợp lý. Nếu tháo gỡ được thể chế thì cũng tháo gỡ được nguồn lực; phát triển được hệ thống hạ tầng thì tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic; bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng. Cả 3 đột phá này đều đang tiến hành và phải đảm bảo hài hòa, hợp lý. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để chúng ta lựa chọn ưu tiên.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền của mình nhưng có thái độ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, v.v.. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao họ làm tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Cùng với đó, cần có các giải pháp về tư tưởng, phải giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục. Trên cơ sở đó, chúng ta cắt giảm và cũng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục vào cuộc. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy cũng huy động cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên, vừa định ra những nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Theo Thủ tướng, giải pháp căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ, xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý. Đối với vấn đề này, đã có các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, v.v. Điều quan trọng là cần cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật.

Bàn về vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là vấn đề tiên quyết và buộc phải làm nếu như không muốn tụt hậu.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Quốc hội, Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong 5 trụ cột, đồng thời đã có những nỗ lực khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật. Tuy nhiên, thể chế của chúng ta vẫn tồn tại những vấn đề cần phải suy nghĩ, hệ thống pháp luật kinh doanh dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn chồng chéo, và thực tế vẫn còn những rào cản vô hình đang cản chân doanh nghiệp. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm và suy nghĩ thà chịu bị kỷ luật hơn là bị truy cứu hình sự.

TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Để thúc đẩy cải cách thể chế, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, cần phục hồi lại hoạt động và tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính phủ cần thường xuyên yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02 về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 02 nói riêng trên cơ sở kết nối, cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, cần hóa giải được nỗi sợ làm sai quy định của công chức trong bộ máy nhà nước.

TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, cải cách thể chế, đầu tiên phải sửa tư duy, phải tư duy thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... từ đó, những gì thị trường tự điều chỉnh được thì để thị trường quyết định. Nhà nước chỉ quản những gì đáng quản, như môi trường, tài nguyên. Cùng với đó, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án. Do đó cải cách thể chế cần quan tâm tăng cường năng lực và vai trò của Tòa án. Tòa án không chỉ giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính, mà phải có cả cơ chế để tòa án giải quyết các khiếu kiện bộ ngành ban hành chính sách sai.

TS.Nguyễn Đình Cung cũng gợi mở việc bỏ thanh tra ngành, bởi nếu thanh tra theo kế hoạch, khi mà doanh nghiệp đang hoạt động bình thường lại vào thanh tra, mà đã thanh tra thì kiểu gì cũng tìm ra cái sai. Theo đó, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa giải quyết minh bạch và cần nhanh về thời gian. Cần để các bên tự bảo vệ quyền của mình bằng cơ chế thông qua Tòa án giải quyết.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82096