Thực hiện giảm phát thải ròng bằng '0': Sao chỉ trông chờ ngành điện?

Chỉ còn dưới 3 thập kỷ nữa là đến 2050, để giảm phát thải ròng bằng không, lâu nay Việt Nam mới tập trung vào ngành điện, vậy các ngành khác thế nào?

Dường như lâu nay Việt Nam mới chỉ tập trung vào ngành phát điện với bản Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt. Ngành điện đã có lộ trình giảm phát thải rất cụ thể, vậy còn các ngành khác thế nào? Theo thống kê trên thế giới, các ngành năng lượng, vận tải, sản xuất và xây dựng, nông nghiệp, bán lẻ thực phẩm, thời trang và công nghệ là 7 ngành có mức phát thải cao nhất.

Riêng ngành vận chuyển đường bộ, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu xe gắn máy và 4,5 triệu ô tô. Nhìn vào con số xe ô tô và xe máy đăng ký mới ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, chúng ta dễ thấy mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô và xe máy đăng ký mới. Điều này đồng nghĩa với việc phát thải đang tăng ở các đô thị tại Việt Nam.

Phương tiện giao thông tăng nhanh đã gây phát thải lớn tại các khu vực đô thị (Ảnh minh họa)

Các ngành vận tải đường thủy, hàng hải và hàng không có mức độ phát thải rất cao nhưng Việt Nam vẫn chưa có cơ chế cụ thể về giảm phát thải mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo số 49 kết luận tại cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon, khí mê-tan trong lĩnh vực hàng hải do Vụ Môi trường chủ trì.

Những ngành có mức độ phát thải cao như nông nghiệp, sản xuất và xây dựng thật sự rất áp lực khi chuyển đổi để giảm phát thải vì doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào dây chuyền công nghệ xanh hoặc phải đầu tư công nghệ lưu trữ carbon có chi phí khá cao. Ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tăng cao, điều đó đồng nghĩa với việc phát thải tăng chứ chưa hề giảm.

Các bộ ngành đã và đang xây dựng lộ trình giảm phát thải cho ngành của mình nhưng việc thực hiện lộ trình đó như thế nào?

Có rất nhiều diễn đàn về giảm phát thải, về kinh tế xanh trong năm 2023 này nhưng việc thực hiện chúng như thế nào? Khi GDP tăng trưởng cao đồng nghĩa với việc phát thải tăng cao tương ứng chứ không hề giảm phát thải.

Thiết nghĩ, việc giảm phát thải không chỉ đến từ các ngành nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, vận tải mà chúng ta có thể bắt đầu từ ngành giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích hợp vào chương trình giảng dạy ở các cấp về phát thải ròng bằng không (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã cam kết lộ trình phát thải ròng bằng không vào 2050 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích hợp vào chương trình giảng dạy ở các cấp về Net-zero 2050. Mỗi học sinh, sinh viên, mỗi công dân và doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về Net-zero 2050. Nếu người dân và doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về Net-zero 2050 thì lộ trình này sẽ không thể thực hiện được vì thời gian không còn nhiều.

Trung Quốc và Indonesia đặt lộ trình Net-zero vào 2060 và họ đã có lộ trình thực hiện khá bài bản. Chúng ta đặt mục tiêu trước họ một thập kỷ thì đòi hỏi tất cả người dân và doanh nghiệp phải nhận thức rất rõ ràng để cùng thực hiện. Thậm chí, Quốc hội có thể thông qua một đạo luật về Net - zero 2050 và Chính phủ có thể lập một tiểu ban để quản lý và giám sát việc thực hiện này.

Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch CLB Hydrogen Vietnam ASEAN

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-giam-phat-thai-rong-bang-0-sao-chi-trong-cho-nganh-dien-295138.html