Thực hiện địa bạ ở Biên Hòa thời vua Minh Mạng

Ảnh hưởng của chúa Nguyễn đối với vùng đất Đồng Nai - Gia Định ngày càng lớn và trải qua nhiều sự kiện. Năm 1698 đánh dấu mốc quan trọng khi chúa Nguyễn thiết lập bộ máy hành chính dù còn đơn giản những thể hiện tính chất pháp lý về mặt quản lý nhà nước của chính quyền Đàng Trong.

Bản đồ Biên Hòa thời vua Minh Mạng sau khi thực hiện địa bạ (bản đồ đen). Ảnh tư liệu

Từ đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn thành lập và hai vị vua Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840) tiếp tục những cải tổ hành chính để thực thi quản lý hiệu quả.

Đặc biệt, thời vua Minh Mạng đã thực hiện đo đạc, thống kê ruộng làm cơ sở cho việc lập địa bạ song song với việc đảm bảo an ninh. So với các vùng đất khác, các tỉnh Nam kỳ được thực hiện việc địa bạ chậm trễ hơn bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, công việc quan trọng này ở Nam kỳ dù muộn đã phản ánh tính chất quản lý thống nhất chung trên toàn đất nước dưới đầu của triều Nguyễn.

5 tháng thực hiện địa bạ ở Nam kỳ, trong đó có tỉnh Biên Hòa là nỗ lực rất lớn của đoàn kinh lý do vua Minh Mạng phái cử. Trên cơ sở này, triều Nguyễn đã có những chính sách quản lý, phát triển Nam kỳ.

Việc thực hiện địa bạ thời vua Minh Mạng ở Nam kỳ bắt đầu từ tháng 2-1836, sau 4 năm thực hiện cải cách hành chính ở Nam kỳ. Lúc bấy giờ, toàn Nam kỳ được chi thành 6 tỉnh và tỉnh Biên Hòa có địa giới khá rộng, bao gồm một số tỉnh thuộc Đông Nam bộ ngày nay (một phần Thủ Đức, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một phần Bình Thuận ngày nay).

Đoàn kinh lý thực hiện nhiệm vụ địa bạ sáu tỉnh Nam kỳ gồm 70 người, do Cơ mật đại thần Thượng thư Bộ Binh Trương Đăng Quế và Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Kim Bảng làm Kinh lược đại sứ. Sau này do ông Nguyễn Kim Bảng bị bệnh, tuổi cao nên ông Trương Minh Giảng lúc bấy giờ đang là Trấn Tây tướng quân được cử thay thế. Hai phó sứ gồm: Tôn Thất Bạch (Thự hữu Thị lang Bộ Lễ) và Thự thông chính sứ Nguyễn Đắc Trí.

Các quan đầu tỉnh phải đón tiếp và phối hợp, cung ứng nhân lực tại chỗ tham gia nhiệm vụ gồm: 1 quản cơ, 4 suất đội, 200 biền binh. Nhiệm vụ của đoàn kinh lược rất quan trọng, được vua Minh Mạng giao phó, xem là việc hệ trọng của đất nước; trong đó chú ý đến: Tuyển lính để bảo vệ dân, đạc ruộng để định cương giới, việc lợi nên làm, việc hại nên bỏ, nhân dân có điều gì oan ức nên làm vỡ lẽ mà gỡ oan…

Nhiệm vụ tại tỉnh Biên Hòa do hai ông Phó sứ Tôn Thất Bạch, Nguyễn Đắc Trí đảm trách. Đến tháng 4-1836, việc tuyển lính ở tỉnh Biên Hòa cùng với Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long cơ bản hoàn thành. Nhiệm vụ đo đạc ruộng đất gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố tác động từ chính sách quản lý lỏng lẻo trước đây, chưa nắm rõ sở hữu đất đai của nhiều người, đo đạc, kê khai chưa chính xác, cách tính chưa thống nhất… Thậm chí, có nhiều sở hữu ruộng đất chống đối, không hợp tác bằng nhiều cách. Đa số người dân nghèo ủng hộ vì được đo đạc, thống kê và khuyến khích khai khẩn thêm để sản xuất, căn cứ mà đóng thuế, không bị cường hào ức hiếp như trước.

Để thực hiện việc đo đạc ruộng đất thuận lợi, quan Trương Đăng Quế tấu trình về triều đề nghị điều phái những người am hiểu vào hỗ trợ thực hiện. Đến tháng 7-1836, việc đo đạc ruộng đất ở các tỉnh Nam kỳ hoàn thành: gồm 20.197 sở, 13 dây, 8 khoảnh và hơn 3.464 mẫu, qua đo đạc, phân thành các hạng ruộng đất bao gồm 630.075 mẫu.

Các đơn vị thống nhất trong đo đạc lúc này gồm: mẫu (4.894m24016), cao/sào (489m244016), xích/thước (32m2 63939), thốn/tấc (3m2263934), Phân (0m2326393) và có thêm đơn vị gọi khẩu (48m2944016), sở, khoảnh.

Số liệu đo đạc thường thể hiện từ mẫu, sào, thước, tấc và được ghi chép các con số bởi dấu chấm. Ví dụ, diện tích đất được đo đạc ghi chép: 182.5.12.4 có nghĩa diện tích là 182 mẫu, 5 sào, 12 thước, 4 tấc.

Triều Nguyễn kế thừa định chuẩn về thước của thời nhà Lê làm ra một quan điền xích là 0m4664 làm chuẩn để đo đạc thống nhất trong cả nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã xuất bản công trình nghiên cứu địa bạ của triều Nguyễn, trong đó có tỉnh Biên Hòa xưa. Tỉnh Biên Hòa vào thời điểm thống kê, đo đạc ruộng đất gồm có phủ Phước Long với 4 huyện: Bình An (8 tổng, 89 thôn, ấp, xã, thuyền), Long Thành (4 tổng, 53 thôn, hộ, phường, ấp), Phước An (4 tổng, 42 thôn, ấp, xã, phường, thuyền) và Phước Chánh (6 tổng, 101 thôn, xã, phường). Ruộng đất được thống kê và phân loại, ghi chép được 282 sổ địa bạ với thôn, làng cụ thể. Tổng diện tích đo đạc và diện tích sử dụng đều được ghi chép rõ ràng theo loại (đất rừng, đất núi, đất đồi, đất gò, đất thổ mộ/nghĩa địa…). Đất đai được phân loại công (phủ lỵ, công quán, binh xá, lập chợ…) và tư (người dân sở hữu, quan lại được cấp…), đất tín ngưỡng, tôn giáo (chùa, đình, đền…), dùng đất lâu năm, đất mới khai phá và cả đất hoang hóa. Về đất ruộng được phân theo hình thức sở hữu công, tư và canh tác hay sử dụng khai thác khác (chủ yếu là nuôi cá, làm muối). Đất đai trồng loại cây gì trên cơ sở đó mà ứng dụng lệ thuế (trồng lúa, khoai, đậu, mía, dâu, tiêu, trầu, tre…).

Ngày nay, phần lớn H.Phước An thuộc địa giới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và H.Bình An thuộc tỉnh Bình Dương cũng như một số tổng được chuyển nhập về sau thuộc TP.Thủ Đức. Trong thời vua Minh Mạng, tỉnh Biên Hòa tiến hành lập địa bạ thêm cho một số làng, xã, thôn (mới thành lập) vào năm 1837.

Kết quả thực hiện địa bạ năm 1836 đã góp phần cho việc ổn định đời sống của người dân, nhà nước nắm rõ được dân đinh, quy mô các chủ sở hữu đất đai, thống nhất quy thức tính toán đơn vị đo đạc, định lại việc thuế, giải quyết những vấn đề liên quan an ninh, xã hội. Ở nhiều nơi trên đất Nam kỳ, người dân được khuyến khích mở đất lập làng, khai khẩn, phát triển. Song hành với giá trị về chế độ quản lý ruộng đất ở Nam kỳ, tài liệu về địa bạ có giá trị nghiên cứu về nhiều lĩnh vực lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ, địa danh… của vùng đất lục tỉnh, trong đó có Biên Hòa xưa - Đồng Nai ngày nay.

Phan Đình Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/thuc-hien-dia-ba-o-bien-hoa-thoi-vua-minh-mang-3169702/