Thực hiện 'đan xen' các quy hoạch, tránh phát triển riêng lẻ

Dự thảo Luật Quy hoạch đang hướng tới sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế từng vùng, từng địa phương cũng như hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) xung quanh nội dung này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Dự thảo Luật Quy hoạch đề cập đến quy hoạch vùng, tuy nhiên lại có nhiều lo ngại về sự “chồng chéo” giữa các quy hoạch. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Tại dự thảo Luật Quy hoạch có nội dung về quy hoạch vùng. Cách đặt vấn đề này rất tốt, tạo ra kết nối giữa các đơn vị hành chính với nhau, tránh tình trạng mỗi tỉnh có một quy hoạch phát triển riêng lẻ. Mặc dù biết quy hoạch vùng là rất hay nhưng hiện nay lại chưa có cơ sở pháp lý để làm quy hoạch vùng. Hiện người ta vẫn chưa phân định ra được các vùng rõ ràng, xem có bao nhiêu vùng, nên là 7 vùng hay thêm 4 vùng kinh tế trọng điểm và cả vùng kinh tế Thủ đô nữa…

Như vậy, quy hoạch vùng và chọn vùng nào, lấy căn cứ nào để quy hoạch thì vẫn chưa có. Khi quy hoạch lên rồi thì ai là người quản lý, theo dõi, tổ chức thực hiện, trong khi không có bộ máy quản lý và chính quyền vùng. Rõ ràng, mặc dù ý tưởng quy hoạch vùng rất tốt, rất hay nhưng lại thiếu cơ sở tổ chức pháp lý.

Muốn quy hoạch vùng thực hiện được thì đồng thời trong Luật Quy hoạch phải đưa ra được cách phân vùng; sau đó mới lập được quy hoạch, thành lập được Ủy ban và bộ máy tổ chức đứng ra quản lý vùng đó. Ví dụ Vùng hay Hội đồng Vùng có nhiệm vụ điều phối, phân công các địa phương làm gì để không chồng chéo lên nhau. Nếu không có bộ máy quản lý hành chính này thì quy hoạch đó lập lên cũng không có ý nghĩa, chỉ để đấy.

Nhiều người lo ngại, theo dự thảo Luật Quy hoạch thì dự kiến sẽ phải đồng thời điều chỉnh trên 40 Luật khác có liên quan. Vấn đề này cần giải quyết ra sao, thưa ông?

Nếu Luật Quy hoạch được ban hành thì dự kiến phải điều chỉnh 43 Luật khác; trong đó, có những Luật như Đất đai phải bỏ đi tới 50 điều. Luật Đất đai có cả 1 chương về quy hoạch đất và nếu thực hiện quy hoạch đất theo Luật mới này thì phải bỏ toàn bộ vấn đề đó đi.

Tương tự như vậy, các vấn đề khác như tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, khi thực hiện các nội dung này trong Luật Quy hoạch cũng sẽ phải lược bỏ bớt đi. Nếu không bỏ thì Luật sẽ chồng lên Luật. Còn nếu bỏ cũng có bất cập bởi những luật kia đang đặt phần quy hoạch gắn liền với quản lý và quy hoạch là 1 trong những nội dung thực hiện quản lý. Nếu nay bỏ bớt đi, không thực hiện phần quản lý đó thì nội dung quản lý cũng không thực hiện được. Đây chính là mâu thuẫn. Bởi vậy, phải vừa xây dựng luật khung, vừa làm luật nội dung và tôi đồng tình với quan điểm này.

Luật khung là quy định về nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tất cả những luật khác khi thực hiện quy hoạch đều phải làm theo Luật Quy hoạch chung này. Nhưng luật nội dung chỉ là 1 số luật thôi, quy hoạch 1 số ngành chuyên biệt thì thực hiện theo nội dung này. Còn những ngành đã có luật chuyên ngành rồi thì không nên đưa vào quy hoạch này như luật về đất đai, tài nguyên nước, biển… Bởi vậy, hệ thống quy hoạch cũng cần điều chỉnh.

Câu chuyện cái gì nên lập trước, cái gì để sau là một trong những nội dung được chú ý khi bàn về Luật Quy hoạch. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện quy trình lập quy hoạch chưa ổn, nhất là chọn lựa cái gì làm trước, cái gì làm sau. Theo quy định, quy hoạch quốc gia có trước, sau đó đến vùng, đến tỉnh, ngành… Nhưng như vậy không ổn. Lập Quy hoạch chung của quốc gia phải dựa trên quy hoạch kinh tế - xã hội từ các tỉnh, thấy có phù hợp với nhu cầu thực tiễn hay không. Cho nên, để có quy hoạch chung của quốc gia cần phải dựa trên quy hoạch các tỉnh. Các tỉnh lại phải dựa trên quy hoạch phát triển của các ngành. Thế nên, nếu quốc gia quy hoạch xong và ấn định cho các tỉnh, ngành thì sẽ rơi vào tình trạng “vẽ” nhưng không làm theo được. Nếu quy trình cứ đi theo hướng này thì không ổn.

Khi lập Quy hoạch quốc gia phải có định hướng, định hình khung chung. Từ khung chung này, các tỉnh, ngành sẽ bám vào đó để xây dựng và có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của họ. Sau khi điều chỉnh rồi mới tổng hợp quy hoạch của các tỉnh, ngành rồi báo cáo lên trên. Khi ấy Quy hoạch quốc gia mới chính thức ấn định, cái nào đúng và phù hợp, cái nào chưa đúng. Như vậy, quy trình này phải làm một cách đồng thời với nhau chứ không phải cứ phê duyệt xong là “đóng gói” bỏ đó và phải làm đan xen.

Vậy còn thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, có điểm gì còn bất cập tại dự thảo, thưa ông?

Dự thảo Luật Quy hoạch, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quốc gia là do Chính phủ phê duyệt.

Ví dụ, quy hoạch về hàng không do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong đó gồm nhiều sân bay khác nhau. Tuy nhiên, khi xây dựng 1 sân bay lớn như Long Thành thì lại do Quốc hội phê duyệt. Vậy tại sao cả một hệ thống sân bay thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng một sân bay cụ thể lại là Quốc hội phê duyệt?

Bởi vậy, những gì liên quan đến quốc gia thì phải do Quốc hội phê duyệt. Sau đó, triển khai thực hiện từng chi tiết nhỏ; trong đó thì Quốc hội mới phê duyệt tiếp được. Như bây giờ, Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, sau đó Quốc hội lại đi phê duyệt tiếp các nội dung cụ thể thì đó là quy trình ngược.

Hơn nữa, trong dự thảo Luật Quy hoạch cũng quy định vai trò giám sát của Quốc hội trong việc triển khai các quy hoạch quốc gia. Nếu Quốc hội không phê duyệt thì làm sao mà giám sát được. Do đó, thẩm quyền phê duyệt cần phân định lại. Những gì liên quan đến quốc gia nên là Quốc hội phê duyệt còn liên quan đến Vùng, địa phương thì do Chính phủ phê duyệt.

Thời hạn của các quy hoạch đặt ra rất khác nhau, vậy mốc nào được cho là hợp lý thưa ông?

Câu chuyện thời gian gắn với các quy hoạch rất được quan tâm. Rất nhiều quy hoạch đã lập ghi là thời hạn 10 năm với tầm nhìn 20 – 30 năm. Điều này thực sự chưa ổn mà phải căn cứ tùy theo từng ngành.

Ví dụ, Quy hoạch Giao thông mà để 10 năm thì rất vô lý bởi khoảng thời gian này cũng chưa đủ để xây dựng xong một công trình giao thông. Như sân bay Long Thành chẳng hạn, không thể nào hoàn thành trong 10 năm. Nếu vậy, quy hoạch 10 năm xong lại phải thay đổi. Có những quy hoạch phải để thời gian từ 30 đến 50 năm. Thực tế, chỉ chiến lược mới có tầm nhìn còn quy hoạch không nên khống chế tầm nhìn mà chỉ xem nó bố trí thế nào. Tùy từng quy hoạch mà bố trí thời gian thực hiện ngắn dài khác nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thuc-hien-dan-xen-cac-quy-hoach-tranh-phat-trien-rieng-le-20161121174938004.htm