Thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực GDMN

Chiều 8/8 tại Tp Hải Dương, Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực GDMN.

Hội nghị chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực GDMN.

Hội nghị chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và giáo dục mầm non do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo và Ủy viên chuyên trách của Ủy ban; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng; cùng các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục mầm non đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học.

Cần được quan tâm đặc biệt

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng, tác động đến phát triển giáo dục mầm non (GDMN).

Về số lượng giáo viên, đây là vấn đề rất lớn. Toàn ngành GD đang thiếu số lượng giáo viên lớn. Công tác tiến hành phổ cập cho trẻ 3 - 4 tuổi phải dự báo thiếu bao nhiêu giáo viên, cơ chế nào để giải quyết khi Trung ương có nghị quyết giảm biên chế, giải quyết bài toán này thế nào;

Chính sách GV, GVMN đã thiếu, giữ chân tuyển mới khó khăn, lương thấp, ngành này vất vả hơn GV phổ thông do đi sớm về muộn. Đồng thời, nâng chính sách thì lại liên quan đến số lượng và tiền, nên phải tính toán.

Đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Cơ sở vật chất hiện nằm chung trong gói giáo dục phổ thông, GDMN. Hiện, nhiều địa phương vẫn sử dụng gói này. Tuy nhiên, vấn đề lớn là phổ cập mầm non 5 tuổi vẫn thiếu số lượng phòng học rất lớn. Đầu tiên phải lo đủ trường, lớp cho trẻ 5 tuổi, phổ cập 3 - 4 tuổi đầu tư một lúc về ngân sách, nguồn lực thì khó đáp ứng được. Vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ GDMN ngoài công lập tương đương với công lập, đây là việc đáng chú ý. Bởi khu vực công hạn chế thì xã hội lại có đóng góp tốt, đáng trân trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đặt ra vấn đề khuyến khích đầu tư xã hội cho GDMN thế nào?. Trên thực tế, việc phát triển ngoài công lập thế nào để chia sẻ với mô hình công lập cũng cần được tính toán. Bên cạnh đó là các vấn đề về mô hình phòng, lớp học nhóm trẻ độc lập; học phí ở các nhóm lớp này; cơ sở vật chất không đảm bảo theo yêu cầu và mong muốn; thiếu trang thiết bị, thiếu kỹ năng của GV,...

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, phải có hành lang pháp lý, có quy định, có hỗ trợ hoạt động. Cần có đánh giá sâu để đề xuất chính sách phát triển trong thời gian tới khi nguồn lực của nhà nước chưa đảm bảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trình bày báo cáo của Bộ GD&ĐT.

Những kết quả đạt được và đề xuất, kiến nghị

Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 29/NQ-TƯ đối với GDMN được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trình bày tại Hội nghị. Theo đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai Nghị quyết 29, Nghị quyết 44, từ năm 2011 đến năm 2023, Quốc hội đã ban hành 2 Luật, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 Quyết định, Bộ GD&ĐT đã ban hành 16 Thông tư và sửa đổi nhiều văn bản khác cho phù hợp với thực tế, khắc phục những hạn chế, "nút thắt" cản trở quá trình đổi mới.

Tham luận về kinh nghiệm công tác xã hội hóa GDMN của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Đó là mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ; Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN; Đội ngũ GV thiếu nhiều, chất lượng chưa đảm bảo; Mục tiêu "công bằng" trong phát triển GDMN chưa đảm bảo.

Thứ trưởng đề xuất các giải pháp đến năm 2030: Thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo; Đổi mới chương trình GDMN; Phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư; Hỗ trợ cơ sở GDMN để giáo dục hòa nhập cho trẻ yếu thế; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; Đầu tư, bổ sung các điều kiện bảo đảm để thực hiện mục tiêu "chất lượng, công bằng, hòa nhập"...

Báo cáo giám sát của thường trực Ủy ban về kết quả triển khai Nghị quyết 29/NQ-TƯ đối với GDMN cho thấy: Công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về GDMN được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GDMN; Công tác quản lý GDMN được đổi mới theo hướng phân cấp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDMN; Quy mô mạng lưới cơ sở GDMN được củng cố, mở rộng và phát triển; Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN được cải thiện; Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh.

Tại Hội nghị, tham luận của các đại biểu đã làm rõ hơn sự cần thiết ban hành chính sách phát triển GDMN. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) ý kiến về việc thể chế Nghị Quyết 29 trong xây dựng chính sách pháp luật và đổi mới công tác quản lý nhà nước về GDMN; PGS.TS Bùi Thị Lâm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) ý kiến về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và chất lượng GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi, kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra; TS Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra bài học kinh nghiệm về xã hội hóa giáo dục và đặt vấn đề sao cho mô hình này phát triển đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-trong-linh-vuc-gdmn-post649821.html