Thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao triển khai chậm?

Chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm thực hiện các gói bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ, bù đắp thiệt hại về tài chính cho các tổ chức, cá nhân khi xảy ra rủi ro trong sản xuất. Tỉnh Bắc Giang đã từng bước triển khai thực hiện chính sách này đối với hoạt động chăn nuôi lợn song vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về BHNN và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Chính sách này được kỳ vọng như “phao cứu sinh” giúp hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra rủi ro. Theo quy định, hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi năm được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận (lở mồm long móng, heo tai xanh, nhiệt thán…) sẽ được DN bán bảo hiểm chăn nuôi bồi thường thiệt hại.

Nhân viên Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động chăm sóc đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Thực hiện các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 7/2022, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND lựa chọn 161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 10 huyện, TP được hỗ trợ phí BHNN đối với chăn nuôi lợn. Thế nhưng đến nay, chính sách bảo hiểm cho đàn lợn vẫn chưa được triển khai trên địa bàn. Nguyên nhân trước mắt do phía công ty bảo hiểm chưa xây dựng được quy tắc, biểu phí bảo hiểm chăn nuôi.

Đại diện Công ty Bảo Việt Bắc Giang thông tin, DN đang xây dựng biểu phí để thực hiện chính sách bảo hiểm đối với đàn lợn cho nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó có Bắc Giang. Đến nay, Công ty chưa có đầy đủ dữ liệu, thông tin về tổng đàn vật nuôi; lịch sử tổn thất do thiên tai, dịch bệnh trong vòng 15 năm trở lại đây ở các địa phương trong danh sách thực hiện BHNN.

DN vẫn chờ có đầy đủ thông tin để xây dựng biểu phí chung, sau đó trình Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt. Sản phẩm bảo hiểm này tương đối mới với người dân Bắc Giang. Để bảo đảm lợi ích của các bên, DN xác định sản phẩm bảo hiểm phải công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm; vừa lấy quyền lợi cho người nông dân là trung tâm nhưng cũng hài hòa lợi ích cho DN và khả năng cân đối, chi trả của ngân sách nhà nước.

Theo quy định, hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi năm được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận sẽ được DN bán bảo hiểm chăn nuôi bồi thường thiệt hại.

Lý do nữa khiến chính sách vẫn xa thực tiễn là có một số nội dung, quy định chưa phù hợp. Theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg, các bệnh gia súc được hỗ trợ bảo hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, xoắn khuẩn, nhiệt thán… đều có vắc-xin phòng ngừa nên đàn vật nuôi gần như không mắc các bệnh này.

Ngược lại, dịch tả lợn châu Phi thường xuyên rình rập, là nỗi lo của người chăn nuôi trong những năm gần đây nhưng lại không có trong danh mục các bệnh được bảo hiểm hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Nguyệt, thôn Bói, xã Thượng Lan (Việt Yên) nói: “Trang trại của gia đình tôi có 1,2 nghìn lợn nái và 6 nghìn lợn thịt. Quy trình chăn nuôi được thực hiện khép kín, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng thực tế không tránh khỏi những rủi ro. Nếu có gói bảo hiểm phù hợp, chúng tôi cũng sẽ mua để bảo vệ cho cả đàn lợn và người chăn nuôi”. Không chỉ gia đình ông Nguyễn Văn Nguyệt mà nhiều hộ khác cũng luôn lo ngại đối với dịch tả lợn châu Phi. Đây là bệnh khi vật nuôi mắc thì tỷ lệ chết cao. Tại nhiều hộ có cả đàn hàng chục con bị chết, thiệt hại nặng, kinh tế kiệt quệ nên rất mong được bổ sung bệnh này trong danh mục được BHNN chi trả.

Bắc Giang chọn đối tượng bảo hiểm là lợn vì tỉnh có đàn lợn khá lớn, nhiều năm liền nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP có tổng đàn lợn dẫn đầu cả nước. Hiện toàn tỉnh có hơn 900 nghìn con tập trung nhiều ở các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. BHNN về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Để chính sách này sớm đi vào thực tiễn, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các DN bảo hiểm sớm công bố sản phẩm cụ thể, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm đã triển khai các sản phẩm tương tự trên thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho địa phương, cán bộ hiểu rõ hơn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả.

Mặc dù các cấp, ngành đã tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm nhưng qua khảo sát, nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi quy mô lớn vẫn chưa nắm được. Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, TP đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn và trang thông tin, hội nhóm nội bộ. Hiện toàn tỉnh có 104 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (trong đó có 48 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh với dịch tả lợn và lở mồm long móng). Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, duy trì, mở rộng các cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi an toàn để tạo “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi trước rủi ro.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414986/thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-nong-nghiep-vi-sao-trien-khai-cham-.html