Thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi để người lính Biên phòng gắn bó với biên cương

Theo đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, ở mỗi đồn Biên phòng đều có khẩu hiệu 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', nhưng muốn cán bộ, chiến sĩ gắn bó với quê hương, gắn bó với đồng bào thì cần có đất ở, đất sản xuất, vợ người lính Biên phòng phải có công việc ổn định.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với dân quân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với dân quân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Ảnh: CTV

Tại các khoản 5, 6, 7, Điều 3 của Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định: Nhà nước có chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới (KVBG); huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.

Đồng thời, tại Điều 27 của Luật BPVN quy định, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở KVBG được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định.

Trong quá trình triển khai xây dựng Luật BPVN, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG). BĐBP đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở KVBG, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Do vậy, quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng tại Điều 3, Luật BPVN và quy định về trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng tại Điều 7, Luật BPVN sẽ phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, huy động nguồn lực thực hiện chính sách biên phòng; chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đồng thời, bảo đảm nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho nhân dân ở KVBG...

Trong đó, chú trọng đầu tư hiện đại hóa các công trình biên giới, các trang thiết bị quan sát hiện đại hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới; xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, đồn, trạm Biên phòng đáp ứng yêu cầu bảo vệ BGQG...

Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, việc thực hiện chính sách của Nhà nước về biên phòng sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, phát triển KVBG ngày một giàu đẹp...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Tĩnh, Luật BPVN quy định các chính sách của Nhà nước về biên phòng; chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Khi Luật BPVN đi vào cuộc sống sẽ tạo điều kiện để lực lượng BĐBP cùng các địa phương biên giới tham mưu với Chính phủ thực hiện đầy đủ chính sách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đặc thù đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là chính sách cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để đảm bảo yên tâm công tác, cống hiến xây dựng và bảo vệ biên cương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...

“Luật BPVN sẽ là cơ sở pháp lý để lực lượng BĐBP tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới; tham mưu cho chính quyền địa phương trong sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG gắn với củng cố quốc phòng và an ninh. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng KVBG phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG” - Đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh việc phân tích, đánh giá cao về chính sách của Nhà nước về Biên phòng thì chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình chia sẻ, người lính Biên phòng thường xuyên gắn bó với đồng bào ở KVBG, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; cứu hộ, cứu nạn..., được nhân dân tin yêu, góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tuy nhiên, do điều kiện công tác, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường xa nhà, xa quê, xa gia đình, xa người thân... gặp không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm. Vì thế, Chính phủ cần có những văn bản dưới luật quy định chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính Biên phòng yên tâm công tác.

Tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (từ ngày 23-3 đến ngày 25-3-2020), đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, các đồn Biên phòng đã được xây dựng cơ bản, đường tuần tra biên giới từng bước được triển khai. Nhưng chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần được quan tâm. Ngoài các chính sách đã được quy định tại Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, cần có các chính sách đặc thù như: Chính sách về quân hàm, chính sách đất ở, đất sản xuất... để đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và gia đình.

Theo đồng chí Tòng Thị Phóng, ở mỗi đồn Biên phòng đều có khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhưng muốn cán bộ, chiến sĩ gắn bó với quê hương, gắn bó với đồng bào thì cần có đất ở, đất sản xuất, vợ người lính Biên phòng phải có công việc ổn định. Có như vậy, họ mới yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến, hy sinh, cùng với các lực lượng, nhân dân xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội KVBG.

Danh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-hien-che-do-chinh-sach-uu-dai-de-nguoi-linh-bien-phong-gan-bo-voi-bien-cuong-post435532.html