Thực hiện các biện pháp tái đàn vật nuôi

Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp tái đàn vật nuôi và quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Công nhân Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La chăm sóc đàn lợn thịt.

Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La có trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Bắc Yên. Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, trang trại đã xuất bán ra thị trường hơn 800 con lợn thịt. Ông Mai Khả Tuấn, Phó Giám đốc công ty, cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 hằng năm, đây là thời điểm giao mùa, vì vậy, để tái đàn an toàn, cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Về con giống, Công ty đã duy trì đàn giống bố mẹ, bảo đảm nguồn con giống có chất lượng. Hiện nay, trang trại đã tái đàn với quy mô hơn 4.000 con lợn.

Những năm gần đây, huyện Bắc Yên chú trọng phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Năm 2023, tổng đàn gia súc của huyện đạt 81.240 con, tăng 1,2% so với năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 1.800 tấn, tăng 2,9% so với năm trước. Ngay từ đầu năm, phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân tập trung tái đàn gia súc theo kế hoạch, kết hợp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Còn tại huyện Phù Yên, đảm bảo an toàn tái đàn trong chăn nuôi, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tái đàn, phát triển chăn nuôi và chú ý phòng, chống dịch bệnh. Bà Phạm Thị Tứ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên, thông tin: Để đàn vật nuôi phát triển, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi, Trung tâm tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Phấn đấu năm 2024, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 120.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.100 tấn.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, khiến dịch bệnh trên đàn gia súc có nguy cơ bùng phát, diễn biến phức tạp. Do đó, việc phòng chống dịch bệnh như tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin… để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi được người chăn nuôi chú trọng. Cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, cơ quan chuyên môn đã có nhiều giải pháp, đảm bảo việc tái đàn vật nuôi an toàn.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, cho biết: Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung vào công tác tập huấn kỹ thuật tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa vào chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị vắc xin, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; tăng cường giám sát, phát hiện sớm những ổ dịch phát sinh, như bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng... kịp thời phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đến hết tháng 2, tổng đàn trâu, bò ước có hơn 650.000 con, trong đó, đàn bò ước đạt gần 400.000 con, tăng 2,79%; đàn lợn ước đạt hơn 541.650 con, tăng 2,12% so với cùng kỳ do dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát. So với cùng kỳ năm trước, việc chăn nuôi của nông dân đang có những tín hiệu vui khi đàn gia súc đang phát triển ổn định.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thuc-hien-cac-bien-phap-tai-dan-vat-nuoi-EDYp9cJSR.html