Thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên bằng bigdata

Thư viện các trường đại học thực hiện chuyển đổi số để kéo sinh viên đến với văn hóa đọc.

Hôm nay, 9/4, Trường Đại học Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa Đọc và Đổi mới sáng tạo” nhằm thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Đưa văn hóa đọc đến gần sinh viên

Đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của "Tuần lễ văn hóa Đọc năm 2024" nhằm hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/04 và ngày Sách và bản quyền thế giới 23/04.

Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm với chủ đề Văn hóa đọc trong môi trường chuyển đổi số, ông Dương Đình Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ số cho biết ở thư viện Việt Nam, tài nguyên thông tin và dữ liệu hạn chế, hoặc vô cùng hạn chế; ngân sách hạn hẹp; tài nguyên thông tin không đa dạng, không tiện lợi cho người dùng; người dùng tin bỏ đi tìm tin từ những kênh khác; chưa có chiến lược rõ ràng.

Bà Lê Thị Thành Huế, Giám đốc Thư viện, Trường Đại học Hà Nội chia sẻ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet đã tác động mạnh mẽ tới văn hóa đọc trong sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên vẫn có những lựa chọn thông minh. Bên cạnh tiếp cận nguồn thông tin tri thức trên internet, sinh viên vẫn gắn bó với nguồn tài nguyên thông tin truyền thống, đặc biệt là những tài nguyên trực tiếp phục vụ việc học tập và nghiên cứu.

Bigdata (dữ liệu lớn) không chỉ phục vụ trong kinh tế, xã hội mà còn có vai trò quan trọng trong giáo dục, đặc biệt là trong việc chuyển đổi số. Dữ liệu lớn giúp việc nghiên cứu, đào tạo hiệu quả hơn. Đối với thư viện, không có một thư viện nào đủ lớn để đáp ứng mọi yêu cầu của người dùng.

Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Huế, thư viện các trường đại học thực hiện chuyển đổi số để kéo sinh viên đến với văn hóa đọc. Thuận lợi hơn cách tiếp cận tài nguyên thông tin truyền thống, chuyển đổi số tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận không giới hạn, không biên giới các nguồn tài nguyên thông tin trên mạng internet.

"Chuyển đổi số hoàn toàn có thể đưa sinh viên đến với văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc tốt hơn vì sinh viên hiện rất giỏi về công nghệ và có kĩ năng khai thác thông tin trên môi trường số", bà Huế nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định sinh viên đến với thư viện của các trường học là đến với nguồn tài nguyên thông tin toàn cầu.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuc-day-van-hoa-doc-trong-sinh-vien-bang-bigdata-post1627446.tpo