Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều dư địa tăng trưởng cao hơn năm 2023. Phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 17/4 tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 với chủ đề Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới và công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023.

Phát biểu chào mừng, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn kém hơn nhiều so giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

“Bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, Hội thảo tập trung thảo luận về các thành tố từ phía phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nói.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra những số liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả 3 thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Đó là: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so năm trước (năm 2022 tăng 11,2%).

Động lực tiêu dùng cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Kim ngạch xuất và nhập khẩu năm 2023 đều giảm mạnh so năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5%, là mức giảm lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so năm 2022.

Hội thảo đã tập trung vào các nội dung đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế;

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu), những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố này đến tăng trưởng kinh tế; phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2024; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024; từ đó khuyến nghị chính sách thúc đẩy tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng một cách bền vững trong bối cảnh mới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-tong-cau-de-tang-truong-kinh-te-trong-boi-canh-moi-post805123.html