Thúc đẩy thị trường lao động những tháng cuối năm

Theo dự báo của ngành chức năng, trong những tháng còn lại của năm 2023, thị trường lao động, việc làm tại Hà Nam có thể tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi chậm. Tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử… buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thời gian làm việc, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, với các giải pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, thị trường lao động những tháng cuối năm có cơ hội phục hồi.

Theo dự báo của ngành chức năng, trong những tháng còn lại của năm 2023, thị trường lao động, việc làm tại Hà Nam có thể tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi chậm. Tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử… buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thời gian làm việc, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, với các giải pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, thị trường lao động những tháng cuối năm có cơ hội phục hồi.

Công tác khảo sát, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình lao động – việc làm những tháng cuối năm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện đúng kỳ, khoa học. Theo đó, những tháng cuối năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, linh kiện điện tử, kế toán, công nghệ thông tin, hành chính nhân sự, vật tải – Logictics, tài chính ngân hàng tập trung vào công tác tuyển dụng lao động nhiều hơn. Lao động phổ thông vẫn là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Trong đó, đa số các nhà tuyển dụng đề xuất mức lương thỏa thuận từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao nhất là 15 triệu đồng/người/tháng. Nếu như trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 21.000 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì từ nay đền cuối năm, dự báo số đối tượng này sẽ đạt đỉnh 20.000 người, trong đó tập trung ở nhóm từ 25 đến 40 tuổi. Lao động phổ thông vẫn là nhóm đối tượng tìm việc đông nhất, yêu cầu mức lương thỏa thuận từ 7-10 triệu đồng/tháng chiếm số đông.

Trên cơ sở so sánh nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, số lao động được các doanh nghiệp cần tuyển vẫn cao hơn số lao động có nhu cầu việc làm. Đây chính là khó khăn trong việc giải quyết bài toán cung – cầu hiện nay.

Ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động đối với các đơn vị chức năng lúc này là hết sức quan trọng nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách của tỉnh về lao động, việc làm hiện nay. Về phía trung tâm, việc đa dạng hóa các hình thức kết nối cung cầu lao động, tổ chức các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận trong tuyển chọn, cung ứng lao động; phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường… cần được thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp và người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm hôm 15/8 tại Trung tâm dịch vụ việc làm. Ảnh: Chu Uyên

Ngay trong tháng 9, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối thị trường lao động giữa 8 tỉnh, thành phố trong khu vực, gồm: Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường kỳ với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, khắc phục những khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh; mở rộng địa bàn thu hút lao động giúp các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho lao động tiếp cận việc làm thuận lợi, ổn định cuộc sống những tháng cuối năm.

Đại diện Công ty cổ phần Catla, Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý cho biết: Chúng tôi rất kỳ vọng vào những phiên giao dịch việc làm thế này để tuyển dụng thêm 200 công nhân may và khoảng gần 100 công nhân gấp túi. Với mức lương cơ bản từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên, người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm, lương, thưởng, phụ cấp xăng xe, nhà ở…, không yêu cầu phải có kinh nghiệm. Mặc dù người lao động đến các sàn giao dịch việc làm thường kỳ rất đông, thế nhưng chúng tôi vẫn khó có thể tuyển được người. Nguyên nhân chính là do người lao động vẫn hoài nghi việc làm và mức thu nhập thực tế trong doanh nghiệp. Có thể trước đó, họ đã từng không được làm việc và trả lương theo đúng thỏa thuận nên đã cảnh giác.

Khảo sát tâm lý người lao động đi tìm việc ngay tại các phiên giao dịch việc làm cho thấy, nhiều trường hợp vẫn “đứng núi này, trông núi nọ”, “kén cá chọn canh”. Bản thân muốn có việc làm vào những tháng cuối năm hơn đầu năm vì họ cần có một khoản thu nhập để lo Tết và nhiều công việc gia đình, nhưng thực tế, người lao động vẫn muốn tiếp tục được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc rút BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống, nuôi hy vọng sẽ tìm được nơi làm việc thỏa mãn những yêu cầu của bản thân cả về môi trường làm việc, thu nhập và các chế độ ưu đãi…

Theo ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trên trang Fanpage của trung tâm, mỗi ngày đăng tải khá nhiều thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp và qua đây thực hiện tương tác với người lao động có nhu cầu việc làm. Song, số người đến phiên giao dịch có nhu cầu tư vấn các vấn đề về bảo biểm thất nghiệp, BHXH không ngừng tăng.

Rõ ràng, những biến động thị trường lao động trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 504 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái; 539 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động, tăng 49,3% và 43 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 8. Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, nhất là một số lĩnh vực, như: dệt may, sản xuất đồ uống, đồ chơi, sản xuất phương tiện do các thị trường xuất khẩu lớn vẫn chưa có tín hiệu phục hồi. Dù vậy, công nghiệp Hà Nam vẫn được dự báo cơ bản giữ ổn định trong sản xuất bởi các cấp chính quyền đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy thị trường lao động những tháng cuối năm đối với Hà Nam cần kiên trì các mục tiêu, giải pháp trong tạo việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp đang phải đối mặt vì những tác động khách quan, cần được sẻ chia và hợp tác để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, người lao động có việc làm, duy trì thu nhập ổn định, được hưởng các chế độ chính sách, bảo đảm cuộc sống trong tương lai.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/thuc-day-thi-truong-lao-dong-nhung-thang-cuoi-nam-103618.html