Thúc đẩy thị trường hàng không phục hồi và phát triển

Chiều 24-2, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt'.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc.

Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn. Trong đó, thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm.

Cùng với đó, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng nhất định, đặc biệt là ở thị trường trong nước nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do giảm giá để kích cầu và giá nhiên liệu cùng một số chi phí đầu vao tăng. Do vậy, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện.

 Quang cảnh tọa đàm về tiếp sức cho hàng không Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm về tiếp sức cho hàng không Việt Nam.

Có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp hàng không thuộc các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng. Trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng và phục vụ đã phục hồi mạnh mẽ, nhiều hãng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác vẫn gặp khó khăn do phải giải quyết những tác động bất lợi trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, sự mất cân đối dòng tiền.

TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đánh giá, thị trường hàng không đã có những thay đổi quan trọng đòi hỏi các doanh nghiệp hàng không phải có những thay đổi và tái cấu trúc để thích ứng với những xu hướng, yêu cầu mới phát sinh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành hàng không dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, những hình thức hỗ trợ này chưa được liên kết với nhau để tạo ra một hiệu ứng tổng hợp chung cho toàn ngành, thậm chí cho từng nhóm doanh nghiệp.

Đối với triển vọng năm 2023, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2023, mặc dù mức tăng có thể chậm lại. Tổng doanh thu vận tải hành khách bằng đường hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 20% vào năm 2023.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến hết năm 2023, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được gần mức tương đương năm 2019 vào cuối năm 2023.

Mặc dù vậy, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, với tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, khả năng cắt lỗ trong năm 2023 của doanh nghiệp hàng không còn mong manh, rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước. Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không… như năm 2022 là cần thiết. Có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, bảo đảm hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu…

 Nhiều đơn vị hàng không đề nghị cần có quy định phù hợp hơn về khung giá vé máy bay

Nhiều đơn vị hàng không đề nghị cần có quy định phù hợp hơn về khung giá vé máy bay

Tại tọa đàm, TS Lương Hoài Nam, Chuyên gia giao thông cho rằng, cần nghiên cứu bỏ việc áp giá trần vé máy bay, tránh kìm hãm sự phát triển của thị trường. Thực tế, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông được ban hành từ năm 2015, đến nay dù yếu tố chi phí đầu vào thay đổi thì giá vé máy bay vẫn đóng khung.

Đại diện một số đơn vị hàng không kiến nghị, cần bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

TS Bùi Doãn Nề đề xuất, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công-tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-thi-truong-hang-khong-phuc-hoi-va-phat-trien-719951