Thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường

(ĐTTCO) – Kịch bản kinh tế trung hạn vừa được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH-ĐT dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt mức 6,55%/năm, đồng thời cảnh báo tác động của ô nhiễm môi trường và thiên tai sẽ làm giảm khoảng 0,6% GDP/năm. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG (ảnh), chuyên gia kinh tế, cho rằng thời điểm này mới chuyển hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là hơi muộn.

PHÓNG VIÊN: - Hàng loạt sự cố về môi trường thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng chung của nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sống, đến sinh kế của người dân. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG:

- Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại 5% GDP hàng năm. Ngoài ra, mỗi năm nước ta phải chi 780 triệu USD cho công tác khám chữa bệnh do ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của tổ chức DARA International cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% GDP, và nếu không có giải pháp ứng cứu kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 11% GDP vào năm 2030.

Còn theo đánh giá của NCIF, nếu tính mức độ thiệt hại dựa trên tác động trực tiếp của yếu tố môi trường đến nền kinh tế (không tính tới các tác động gián tiếp như ô nhiễm môi trường đất, nước làm giảm năng suất cây trồng, tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, hoạt động du lịch; hay hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp), tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm tới như sau: Năm 2016 giảm 0,61% GDP, năm 2017 giảm 0,59% GDP, năm 2018 và năm 2019 giảm 0,58% GDP, năm 2020 giảm 0,57% GDP.

- Những con số vĩ mô cho thấy các yếu tố môi trường tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020. Ông có thể đưa ra những biểu hiện cụ thể hơn?

- Có thể nhìn thấy yếu tố môi trường tác động đến tăng trưởng kinh tế tương đối rõ trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp tăng trưởng âm vì tác động mạnh mẽ của El Nino, làm cho hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL, vùng lúa trọng điểm của cả nước khiến cho sản lượng lương thực giảm hơn 1 triệu tấn. Đó là chưa tính đến các thiệt hại trong ngành chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, trái cây… Về dài hạn, biến đổi khí hậu sẽ làm cho nước biển dâng, tức diện tích trồng lúa sẽ giảm đi khi vùng xâm nhập mặn tăng lên. Để thích ứng với biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng của vùng đồng bằng này. Đi kèm với nó là lượng vốn lớn để đầu tư cho hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Bởi hiện chúng ta phát triển ngành trồng lúa dựa trên vùng đồng bằng nước ngọt phì nhiêu, nhưng trong tương lai phải chuyển sang phát triển nông nghiệp dựa trên môi trường nước mặn và nước nợ.

- Hầu như ta quản lý môi trường dễ dãi, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Đó cũng là điểm tạo nên sự “hấp dẫn” nguồn vốn FDI đến với Việt Nam?

Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là bài toán khó với nhiều quốc gia, nhưng buộc phải làm nếu không muốn trả giá đắt trong tương lai gần. Con số mục tiêu tăng trưởng 6,7% được Quốc hội thông qua không dễ đạt được trong năm 2017. Giả sử tăng trưởng có đạt thấp hơn nhưng giữ gìn được môi trường, kinh tế vĩ mô ổn định, là điều đáng làm, dễ chấp nhận hơn.

- Thực tế là như vậy. Sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường tại nhà máy thép Formosa, Hà Tĩnh vừa qua đã gây thiệt hại lâu dài với kinh tế - xã hội đến nay chưa thể đo đếm được. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) khác thời gian qua đã được liệt kê vào danh sách đen gây ô nhiễm môi trường, như Công ty TNHH Huyndai-Vinasin (Khánh Hòa) ngang nhiên xả hàng ngàn tấn hạt nix ra khu dân cư; Công ty TNHH Miwon Việt Nam xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường; Công ty Tung Kuang lén lút vận hành hệ thống xả thải ra môi trường… Một nghiên cứu thực hiện tại 100 khu công nghiệp (KCN), cho thấy có đến 80 KCN vi phạm các quy định về môi trường, số DN FDI chiếm trên 60% DN xả thải vượt tiêu chuẩn. Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) về hành vi môi trường cũng cho thấy 20% DN FDI được hỏi, đã cho biết tiết kiệm được 10% chi phí môi trường khi đầu tư vào Việt Nam so với sản xuất tại nước họ; 68% cho rằng sẽ tiết kiệm được 10-50%, và 12% cho rằng tiết kiệm được trên 50% chi phí… Như vậy nhiều DN FDI coi các tiêu chuẩn môi trường dễ dãi của Việt Nam là một tiêu chí lựa chọn đầu tư.

- Vậy theo ông cần làm gì để giữ được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng các yếu tố môi trường đến tăng trưởng?

- Mô hình phát triển hiện đang tập trung vào mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, nhưng đã đến lúc cần chuyển từ tăng trưởng kinh tế đơn thuần sang tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ được môi trường. Cần cân bằng giữa 2 yếu tố tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Thời gian qua đã có những biện pháp để bảo vệ môi trường nhưng chưa hiệu quả. Đã đến lúc cần nâng các tiêu chuẩn về môi trường cho phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư một cách chọn lọc theo hướng ưu tiên công nghệ sạch. Bởi thời gian qua dù nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhưng môi trường lại xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề môi trường cần được quan tâm hơn, có biện pháp bảo vệ nó trong phát triển kinh tế. Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, tăng cường hoạt động giám sát xả thải của các DN.

- Xin cảm ơn ông.

Đăng Tuân (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161119/thuc-day-tang-truong-gan-voi-bao-ve-moi-truong.aspx