Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả

Từ ngày 3 đến 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp ĐINH TOÀN THẮNG khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi xúc tiến đầu tư và kinh doanh giữa Việt Nam với các địa phương của Pháp.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ với bề dày truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Trải qua các giai đoạn, quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến sâu rộng và ngày càng phát triển toàn diện. Pháp là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, khẳng định mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã được ký. Các chuyến thăm chính thức Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tháng 4/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11/2018 đã đánh dấu sự phát triển hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và các cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Macron, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian đã thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước.

Sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và trên các diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)… rất chặt chẽ. Hai nước cũng duy trì trao đổi nhiều vấn đề an ninh khu vực, đồng quan điểm về sự tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, về tự do hàng hải, hàng không, bảo đảm hòa bình, an ninh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong giai đoạn hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ song phương. Các chính sách đối ngoại của hai nước cũng có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đến tháng 8/2021, với 3,62 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, Pháp chiếm 14% tổng vốn FDI của Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả này được đánh giá là còn khá “khiêm tốn” so với tiềm năng hợp tác của hai nước, thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp, cũng như nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam. Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam.

Về thương mại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Thực tế cho thấy, sau một năm thực thi hiệp định, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông, thủy sản... cần tận dụng các lợi thế của hiệp định để vào thị trường Pháp. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.

Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cả về đa phương và song phương. Mục tiêu bao trùm của chuyến thăm là thể hiện ở cấp cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định, đồng thời nhằm thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp mặt cộng đồng người Việt Nam ở Pháp và châu Âu. Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu để thông tin về những nỗ lực thúc đẩy sản xuất, phát triển và tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại của Việt Nam với các đối tác.

Chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là dịp để thúc đẩy hợp tác y tế, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu phòng, chống dịch bệnh. Thực tế, hợp tác y tế giữa hai nước 30 năm qua đã và đang đóng góp rất nhiều cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam.

KHẢI HOÀN và ĐÌNH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/thuc-day-quan-he-viet-nam-phap-ngay-cang-chat-che-va-hieu-qua-672111/