Thúc đẩy quan hệ Đối tác Việt Nam - Liên minh châu Âu phát triển sâu rộng, thực chất

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang hợp tác chặt chẽ, tập trung vào những lĩnh vực EU có lợi thế và theo xu thế chung hiện nay nhằm phục vụ phát triển xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu do ông Daniel Caspary dẫn đầu đang có chuyến thăm Việt Nam

EU là đối tác thương mại - đầu tư quan trọng

Trong buổi tiếp ông Daniel Caspary, Trưởng đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN cùng đoàn công tác đang có chuyến thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển sâu rộng và thực chất trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU thời gian qua. EU hiện là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh này trong khối ASEAN.

Lãnh đạo Chính phủ nước ta mong muốn, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tập trung vào những lĩnh vực EU có lợi thế và theo xu thế chung hiện nay nhằm phục vụ phát triển xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó, đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên; đồng thời, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị ông Daniel Caspary cùng đoàn công tác có tiếng nói ủng hộ Việt Nam gỡ “thẻ vàng IUU” (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) trong quy trình đánh bắt thủy hải sản. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho đời sống những người dân Việt Nam đang chịu tác động mạnh trong do ảnh hưởng của “thẻ vàng IUU”.

Ông Daniel Caspary cùng Đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu ghi nhận, đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới; minh chứng rõ nét nhất là việc hai bên ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sắp bước vào giai đoạn thực thi. Về vấn đề gỡ “thẻ vàng IUU”, ông Daniel Caspary ghi nhận, đây là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn vấn đề này sớm có kết quả phù hợp với kỳ vọng của cả hai bên.

Chuyến thăm của Đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao.

Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn không ngừng tăng trưởng ấn tượng. Trên cơ sở thuận lợi của việc thực hiện Hiệp định EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU qua hơn 2 năm đầu triển khai (tháng 8-2020 đến hết năm 2022) đạt 102,4 tỷ USD (trung bình 41 tỷ USD/năm), cao hơn khoảng 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 trước đó. Xuất siêu của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2021. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA tăng đều trong 2 năm thực thi Hiệp định. Chiều ngược lại, nhiều mặt hàng từ các thành viên EU cũng được tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam đạt 27,8 tỷ USD trong 2.308 dự án, đạt 6% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng

Việt Nam và EU hiện có mối quan hệ rất sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Cùng với các cuộc thăm viếng, tiếp xúc cấp cao, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất, mang lại lợi ích cho hai bên. Trong đó, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016, mở ra các cơ chế hợp tác thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, an ninh - quốc phòng, pháp quyền - quản trị, Ngoài Hiệp định EVFTA và EVIPA, hai bên còn có Hiệp định Đối tác tự nguyện về lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) có hiệu lực tháng 6-2019; Hiệp định khung về hợp tác Quốc phòng - An ninh (FPA) tháng 10-2019; cơ chế đối thoại nhân quyền hàng năm...

Các khuôn khổ hợp tác trên đây đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU, và là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh này. Hiện có rất nhiều cơ hội và thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Cả hai bên đều có lợi ích và đã cùng nhau tạo dựng đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế để đẩy mạnh mối quan hệ này.

Quan hệ hợp tác toàn diện với EU, một trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu thế giới, luôn là một trong những định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - EU còn được củng cố bằng các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU, đặc biệt là quan hệ “đối tác chiến lược” với Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha; quan hệ “đối tác toàn diện” với Hà Lan, Đan Mạch, Hungary; quan hệ bạn bè truyền thống với tất cả các nước thành viên Đông Âu của EU…

Phía EU cũng có lợi ích thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Như phát biểu hồi tháng 11-2022 của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao EU về An ninh và Đối ngoại Josep Borrell, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, một trong những quốc gia năng động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam là một đối tác song phương hấp dẫn của EU cũng như thông qua tư cách thành viên ASEAN và Liên hợp quốc, nơi Việt Nam đã thể hiện cam kết rõ ràng của mình đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ phát triển nhanh và ổn định, đã tham gia 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương - đặc biệt là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - là điểm đến đầy hấp dẫn của các doanh nghiệp EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Cùng với tăng cường trao đổi kinh tế - thương mại, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực trụ cột, được cả Việt Nam và EU quan tâm thúc đẩy. Việt Nam và EU hiện đang tích cực triển khai các sáng kiến hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng bền vững. Với sự điều phối của Anh và EU, quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) với Việt Nam đang được Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) xem xét thiết lập. Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến này.

Việt Nam và EU cũng đang hướng tới việc phối hợp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó, nhiều chiến lược của EU mới được công bố, như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cửa ngõ Toàn cầu, La bàn chiến lược… đều thể hiện sự coi trọng của EU về vai trò của khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Với tư cách là những đối tác chiến lược, Việt Nam và EU cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuc-day-quan-he-doi-tac-viet-nam-lien-minh-chau-au-phat-trien-sau-rong-thuc-chat-post543543.antd