Thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn từ chương trình OCOP

Hôm nay (15/6), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Mê Linh đã tổ chức chương trình giám sát chuyên đề Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Mê Linh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Trịnh Thị Hồng Ngân - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh chủ trì buổi giám sát.

Theo đó, thực hiện Chương trình số 07-CTr/HU ngày 28/12/2020 của Huyện ủy Mê Linh về việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Mê Linh thành đô thị, nông thôn theo hướng sinh thái, đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mê Linh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế xây dựng, triển khai Đề án thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh, giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Trịnh Thị Hồng Ngân - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh phát biểu tại buổi làm việc.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn, huyện Mê Linh đã có những chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn. Tính đến hết tháng 4/2023, toàn huyện có 75 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, công nhận đạt sản phẩm OCOP (trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao); trong 75 sản phẩm đạt OCOP có 57 sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm, 5 sản phẩm thuộc ngành hàng đồ uống, 13 sản phẩm thuộc ngành hàng thủ công - mỹ nghệ - trang trí.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP. Cụ thể như: Nhận thức của người dân về Chương trình, sản phẩm OCOP còn hạn chế; một số chủ thể sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia Chương trình; số lượng sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất kiến nghị với HĐND, UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc thực hiện Chương trình OCOP; xác định các sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng của địa phương để đầu tư, nâng cao chất lượng cho sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản của thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn trong nước…

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trịnh Thị Hồng Ngân - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại buổi làm việc. Đồng chí Trịnh Thị Hồng Ngân đề nghị thời gian tới, Phòng Kinh tế phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2025 đảm bảo hoàn thành kế hoạch, mục tiêu Đề án đề ra.

Đồng thời, đề nghị các xã, thị trấn nắm bắt và đưa ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương mình, đăng ký với Phòng Kinh tế để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện sản phẩm OCOP. Đối với các xã, thị trấn có doanh nghiệp sản xuất, chế biến đóng trên địa bàn cần xây dựng vùng sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng, từ đó, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch HĐND huyện mong muốn mỗi đồng chí cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của huyện, UBND các xã, thị trấn đi đầu trong việc sử dụng các sản phẩm OCOP của huyện nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức, hình thành thói quen trong sử dụng sản phẩm chất lượng để người dân làm theo từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sinh thái, an toàn.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-an-toan-tu-chuong-trinh-ocop-157160.html