Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lành mạnh giữa báo chí và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, chiều 16/3, đại diện các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo đã cùng nhau trao đổi, thảo luận để tìm ra những mô hình hợp tác mới hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo trong bối cảnh hiện nay.

Dự phiên thảo luận có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông…

Các đại biểu dự phiên thảo luận.

Nâng giá trị của mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp

Tham luận tại phiên họp, ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí và doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ hai cách tiếp cận từ góc độ thông tin và giá trị đối với mối quan hệ này.

Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; là cầu nối hiệu quả đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với công chúng mục tiêu, tạo ra giá trị và danh tiếng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nguồn thông tin để phản ánh chân thực về đời sống; là cảm hứng, là chất liệu cho quá trình sáng tạo nội dung của báo chí; vừa là đối tác, là khách hàng và cũng là động lực của sự phát triển.

Ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bá, hợp tác vì sự phát triển cho cả hai bên là mục tiêu lâu dài trong mối quan hệ báo chí-doanh nghiệp. Nền tảng cho mối quan hệ hợp tác này là đạo đức, đạo đức của báo chí là đưa tin khách quan, phản biện mang tính xây dựng, trong khi đạo đức doanh nghiệp là kinh doanh hướng đến mục tiêu phát triển của mình, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

“Báo chí và doanh nghiệp khi thực thi đạo đức của mình sẽ tạo ra lòng tin và lan tỏa; văn hóa hợp tác chủ động, thông tin chính xác sẽ góp phần tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và tạo giá trị cho tờ báo”, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá cho rằng mối quan hệ báo chí-doanh nghiệp hiện đứng trước nhiều thách thức, gây sụt giảm niềm tin giữa hai bên. Tổng Biên tập Báo Vietnamnet đưa ra 4 giải pháp nhằm mở rộng mô hình hợp tác báo chí-doanh nghiệp, gồm: hợp tác để tư vấn; hợp tác content marketing; tài trợ và đối tác; tổ chức sự kiện.

Doanh nghiệp cần sự tư vấn của các cơ quan báo chí để hiểu rõ hơn những vấn đề của mình. Các cơ quan báo chí có nhiều hình thức để hợp tác cùng với doanh nghiệp nhằm giúp người đọc có thể tiếp nhận được thông tin sâu hơn, chứ không chỉ là các thông điệp quảng cáo đơn thuần, nhất là những nội dung chuyên sâu trong những lĩnh vực được quan tâm.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ về sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng có trách nhiệm.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận.

Bà Hồng Nhi, đại diện Unilever nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và báo chí, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin. "Báo chí sẽ đưa ra được các nội dung sâu sắc và giảm thiểu rủi ro thông tin, kết nối chuỗi giá trị bền vững và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm bền vững", bà Hồng Nhi nói.

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam, báo chí và doanh nghiệp cần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tương hỗ để cùng phát triển.

Hai bên cần tăng cường tính linh hoạt và tương tác, trao đổi thông tin một cách hiệu quả và kịp thời; cùng nhau thúc đẩy nhận thức và hành động về các vấn đề quan trọng, từ bền vững đến trách nhiệm xã hội.

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam, báo chí và doanh nghiệp cần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tương hỗ để cùng phát triển.

Ông Mỹ cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần hợp tác để thúc đẩy sự thay đổi của các vấn đề chung trên các lĩnh vực: môi trường, xã hội, quản trị (ESG) - tương ứng với ba trụ cột của mô hình kinh doanh bền vững.

"Hoạt động tuyên truyền của báo chí nâng tầm danh tiếng doanh nghiệp, góp phần định hình thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp cung cấp nội dung và câu chuyện giá trị cho báo chí, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh, truyền thông chân thực và minh bạch, củng cố niềm tin của công chúng", diễn giả này cho hay.

Thúc đẩy truyền thông có trách nhiệm

Phát biểu đề dẫn phiên tọa đàm bàn tròn, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông cho biết, dòng chảy ngân sách quảng cáo vào báo chí đang giảm dần theo tỷ lệ trên tổng chi quảng cáo hằng năm, gây khó khăn nhất định cho nhiều cơ quan báo chí và có thể dẫn đến những hệ lụy đối với sự phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, báo chí và doanh nghiệp vẫn sẽ cần nhau, hợp tác với nhau nhưng cách hợp tác giữa hai bên sẽ phải khác.

Quang cảnh tọa đàm.

"Kênh giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ít nhiều đã không còn là ưu thế của báo chí, và đây là xu hướng tất yếu", ông Lâm nói và nhấn mạnh, hai bên phải tìm ra sự thiếu hụt, bù lại bằng những phương thức hợp tác mới, tìm thấy ở nhau những giá trị khác chứ không phải mối quan hệ "làm phiền đến nhau".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông có trách nhiệm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng báo chí không thể làm điều này một mình, người làm báo cần phải lắng nghe nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn, phải kể những câu chuyện thực tế, thay thế những chủ thể khác trong xã hội để lan tỏa những câu chuyện đó.

Theo ông Lâm, trong quá trình quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, nhiều tác nhân hưởng lợi không chính đáng từ quảng cáo, thậm chí còn quay lại ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Ông cho rằng, dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng phải được "nắn lại" để nó đi về những kênh nội dung sạch, có trách nhiệm với xã hội.

"Những kênh nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền, vi phạm chuẩn mực văn hóa phải bị cắt dòng tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp. Các kênh an toàn, kênh sạch phải đủ lớn để các doanh nghiệp đẩy dòng tiền quảng cáo", ông Lâm nói.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ trong phiên tọa đàm.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty CP Western Pacific cho biết, khoảng 10 năm trước đây, doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn quảng cáo sản phẩm, phần lớn nguồn ngân sách quảng cáo chảy vào các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn và tính hiệu quả quảng cáo được đặt lên hàng đầu.

Theo bà Huệ, khối doanh nghiệp vẫn luôn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với báo chí, song báo chí hiện không còn giữ vai trò "độc tôn" trong giám sát nữa, mà cũng là đối tượng được giám sát. Do vậy, cần có sự thay đổi trong quan hệ giữa hai bên theo hướng tương hỗ lẫn nhau nhiều hơn.

Gợi mở những mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp, bà Nguyễn Lan, Giám đốc Cao cấp Content+, Công ty Mindshare Vietnam cho rằng báo chí và doanh nghiệp có thể hợp tác trong sản xuất những nội dung mà hai bên cùng quan tâm.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí chính thống. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong hình thức truyền thông để doanh nghiệp có thêm cách tiếp cận người tiêu dùng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-moi-quan-he-hop-tac-lanh-manh-giua-bao-chi-va-doanh-nghiep-post800292.html