Thúc đẩy hợp tác trong quản lý, xây dựng chính sách tài chính xanh

Ngày 26/3/2024, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo tham vấn về trái phiếu xanh, thuế môi trường và thị trường các-bon trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác về tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh được ký kết giữa Bộ Tài chính Việt Nam và AFD.

Bà Cécile Vigneau – Tham tán Công sứ, Đại sứ Quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, bà Cécile Vigneau – Tham tán Công sứ, Đại sứ Quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Hội thảo là hoạt động góp phần vào cam kết của Chính phủ Pháp nhằm giúp Việt Nam xanh hóa tài chính, góp phần vào việc đạt mục tiêu về biến đổi khí hậu Việt Nam đã đặt ra. Theo bà Cécile Vigneau, Pháp hiện đang ở vị trí tiên phong trong thực nghiệm chính sách thuế môi trường, thị trường các bon và xanh hóa hệ thống tài chính công.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. “Hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công. Đây là tiến trình đáng khích lệ và nước Pháp rất vui khi được đồng hành, chia sẻ với Việt Nam cùng Việt Nam trong tiến trình này thông qua các kinh nghiệm thực tiễn”, bà Cécile Vigneau khẳng định.

Hội thảo này đề cập tới nội dung thị trường các bon, trái phiếu xanh và thuế môi trường. Theo bà Cécile Vigneau, đây là “cuộc chiến”cốt yếu mà Pháp và châu Âu đã, đang và sẽ thực hiện từ nay đến những năm tới. Liên minh châu Âu đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy các quốc gia đi theo tiến trình này. Trong khi đó, Pháp thực hiện tiến trình bằng cách tiếp cận độc đáo đó là định giá yếu tố môi trường đa tiêu chí trong chi tiêu công, thực hiện từ năm 2021.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Diệu Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và AFD được ký kết ngày 10/7/2023 tại Paris, Pháp. Trên cơ sở các nội dung tại Kế hoạch hành động 2023-2024 được hai bên phê duyệt vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính Việt Nam và AFD đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác, nhằm đưa quan hệ hợp tác cấp Bộ đi vào chiều sâu; phối hợp tố chức các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh...

“Chúng tôi mong muốn Hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ hội để hai bên tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và thực tiễn tốt của AFD về thuế môi trường, thị trường các bon và trái phiếu xanh. Đây là những nội dung mà Bộ Tài chính Việt Nam rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức, đòi hỏi các phản ứng điều hành chính sách chủ động, kịp thời”, Phó Vụ trưởng Hoàng Thị Diệu Linh nhấn mạnh.

Bà Hoàng Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo.

Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác tài chính giữa hai nước Việt Nam và Pháp, bà Hoàng Thị Diệu Linh tin tưởng, Hội thảo sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích và sẽ tiếp tục kết nối, thúc đẩy sự trao đổi thông suốt, đóng góp vào việc cụ thể hóa kết quả hợp tác vào các chính sách tài chính của Bộ Tài chính Việt Nam.

Thông tin tại Hội thảo về định hướng xây dựng Danh mục phân loại xanh tại Việt Nam, theo ông Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Tài nguyên môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, lần đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa nội dung tín dụng và trái phiếu xanh vào Luật. Có thể nói, đây là 2 công cụ hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ việc hình thành thị trường tín dụng và trái phiếu.

“Việc Luật Bảo vệ môi trường quy định nội dung này nhằm thực hiện các dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường, bảo vệ môi trường…”, ông Lại Văn Mạnh cho hay.

Chia sẻ về các định hướng xây dựng phân loại xanh tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh cho biết, mục tiêu của Danh mục phân loại xanh là nhằm tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật đầy đủ; Huy động các nguồn lực tài chính xanh; Hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tổ chức liên quan; Tạo cơ sở để thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Danh mục này được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc thống kê, theo dõi, đánh giá và điều hành chính sách vĩ mô…

Quang cảnh Hội Thảo.

Phân tích về tình hình triển khai trái phiếu xanh ở Việt Nam, ông Alexandre Vincent – đại diện Kho bạc Pháp cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển thị trường trái phiếu xanh, trong đó, phải kể đến các yếu tố như: Khung khổ pháp lý về việc phát hành trái phiếu xanh của Chính phủ (Điều 150, Luật Bảo vệ Môi trường được thông qua vào năm 2020); Nhu cầu mạnh mẽ từ các chủ thể tham gia thị trường và nhu cầu lớn trong việc cấp vốn cho các dự án mang lại lợi ích môi trường... Bên cạnh đó, còn phải kể đến các yếu tố khác như: sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng được thể hiện qua cách tiếp cận chủ động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng với sự hướng dẫn của Công ty Tài chính Quốc tế...

Tuy nhiên, theo ông Alexandre Vincent, đến nay, số lượng trái phiếu xanh được phát hành ở Việt Nam rất hạn chế, trong đó, các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu trong việc xây dựng các sản phẩm và xác định các dự án xanh…

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thuc-day-hop-tac-trong-quan-ly-xay-dung-chinh-sach-tai-chinh-xanh.html