Thúc đẩy hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư

Theo Hãng tin Bloomberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang lên kế hoạch thăm một số quốc gia vùng Vịnh, dự kiến là Qatar và Ảrập Xêút sau chuyến thăm tới Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Mục đích chính chuyến thăm của nhà lãnh đạo này là để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút thêm đầu tư và các nguồn tài chính khác đang suy giảm từ các nước phương Tây.

Mục tiêu 25 tỷ USD đầu tư

Theo Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek, chuyến thăm UAE của Tổng thống Erdogan sẽ sớm được thực hiện và các đại diện của cả hai nước đang chuẩn bị xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn. Chuyến thăm này sẽ theo sau chuyến thăm của ông Simsek và Phó Tổng thống Cevdet Yılmaz tới UAE vào tháng trước. Một phái đoàn ngoại giao cấp cao từ UAE cũng đã thực hiện chuyến thăm đáp lễ để thảo luận các chi tiết hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Erdogan sau chuyến thăm UAE sẽ tiếp tục dừng chân ở Ảrập Xêút và Qatar.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dự kiến sẽ có chuyến thăm một số nước vùng Vịnh trong thời gian tới. Nguồn: atalayar.com

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chính sách giữ lãi suất thấp để đối phó với lạm phát, song điều đó lại làm nhiều nhà đầu tư phương Tây lo ngại rời đi. Vì thế, các quốc gia vùng Vịnh đang nổi lên như những ứng cử viên tiềm năng giúp Thổ Nhĩ Kỳ thu hẹp khoảng cách đầu tư, khiến Tổng thống Erdogan luôn cố gắng cải thiện quan hệ với các nước này. Kết quả cuối cùng là UAE, Ảrập Xêút và Qatar đang cung cấp ngoại hối rất cần thiết cho Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các thỏa thuận hoán đổi và tiền gửi trực tiếp. Bản thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mục tiêu thu hút 25 tỷ USD đầu tư từ các nước vùng Vịnh thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm tư nhân hóa và mua lại.

Thực tế, việc Tổng thống Erdogan bổ nhiệm ông Simsek làm Bộ trưởng Tài chính từng được xem là động thái thân thiện với thị trường, bởi ông Simsek có nền tảng kinh nghiệm là chiến lược gia trái phiếu tại Merrill Lynch. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhóm kinh tế mới của ông sẽ kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 20% so với đồng USD kể từ khi ông Simsek nhậm chức.

Về phía mình, các quốc gia vùng Vịnh có thể đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải cải cách kinh tế sâu hơn. Trước đây, Ai Cập từng phải vật lộn với kế hoạch tương tự để huy động hàng tỷ USD từ các quốc gia nói trên thông qua tư nhân hóa, một phần do tranh chấp về định giá và chính phủ giữ đồng tiền trong nước ở mức mà các nhà đầu tư coi là định giá quá cao. Vào tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận tăng gấp đôi khối lượng thương mại với UAE, làm nổi bật mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa hai quốc gia. Tháng 5, Iraq trình bày dự án cơ sở hạ tầng có đường bộ và đường sắt nối Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia vùng Vịnh, chạy qua Baghdad.

Mối quan hệ hai bên đều mong muốn

Trên thực tế, ngay sau khi Tổng thống Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 5, các quan chức trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 thành viên lập tức lên tiếng hoan nghênh, thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ giữa Ankara với khối này, cũng như với từng quốc gia GCC. Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Erdogan, ngay sau đó là các nhà lãnh đạo vùng Vịnh khác. Tất cả đều bày tỏ mong muốn tăng cường bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế, chuyến thăm các nước vùng Vịnh lần này từng được dự đoán ngay từ sau khi ông Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ lần ba; nó phản ánh tầm quan trọng của các thành viên GCC đối với chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nay đến năm 2028, các quốc gia GCC có thể mong đợi hoạt động kinh doanh như bình thường trong các giao dịch của họ với Ankara.

Liên minh mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ với Qatar tiếp tục sâu sắc hơn trong khi nhà lãnh đạo Erdogan cũng tìm cách mở rộng quan hệ với Ảrập Xê út, khi Ankara nối lại quan hệ với Riyadh và Abu Dhabi tiếp tục tăng tốc. Chính quyền Ankara luôn coi trọng các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với các nước GCC giàu có, vốn quan trọng đối với thị trường thương mại và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, các liên kết kinh tế chặt chẽ hơn giữa UAE và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại cho hai quốc gia, vốn là hai nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất Trung Đông, cơ hội khai thác lượng đầu tư khổng lồ có thể giúp cả hai phát triển. Vài ngày sau khi ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác nhằm tăng thương mại song phương của họ lên 40 tỷ USD trong 5 năm tới. Bộ trưởng Ngoại thương UAE Thani Ahmed al-Zeyoudi, khi ấy đã viết trên Twitter rằng đây là thỏa thuận “đánh dấu kỷ nguyên hợp tác mới trong tình bạn lâu dài của chúng ta”.

Về phần các quốc gia Ảrập vùng Vịnh, mối quan hệ sâu sắc hơn với Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với các chương trình nghị sự đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Trên nhiều lĩnh vực, từ giải trí đến du lịch và sản xuất thực phẩm, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia GCC thoát khỏi sự phụ thuộc vào hydrocarbon. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, từ lâu đã thâm nhập vào các thị trường vùng Vịnh và đóng góp vào sự phát triển của các siêu dự án, từ sân bay đến đường cao tốc, sân vận động cho đến các tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, không thể không kể đến lĩnh vực quốc phòng, với việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản địa là một trụ cột quan trọng trong chiến lược Tầm nhìn 2030 của Ảrập Xê út. Theo các quan chức nước này, ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tích hợp vào Tầm nhìn trên của Ảrập Xêút.

Cách đây không lâu, Ảrập Xêút và UAE từng có quan hệ không mấy tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ; xung đột lợi ích liên quan đến một loạt cuộc khủng hoảng thời kỳ hậu Mùa xuân Ảrập như ở Ai Cập, Libya và Tunisia, cũng như việc một loạt nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar giai đoạn 2017 - 2021, đã gây xích mích giữa một bên là Ankara và bên kia là trục Ảrập Xêút - UAE. Tuy nhiên, kể từ khoảng năm 2020, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Riyadh và Abu Dhabi đã được cải thiện rõ rệt. Theo các nhà quan sát, giờ đây, tương tự như các quốc gia GCC, chiến lược của Ankara thực dụng hơn với phát triển kinh tế là mệnh lệnh chính thay vì chính trị.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thuc-day-hop-tac-kinh-te-va-thu-hut-dau-tu-i335097/