Thúc đẩy động lực tăng trưởng hiện hữu, phát huy động lực mới

Chiều 19.9, phiên toàn thể với chủ đề 'Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững' diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên toàn thể.

7 động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Trình bày tham luận “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” tại phiên toàn thể, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới chậm lại, kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả những thách thức nội tại và bên ngoài.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 5 - 5,5% trong năm nay; trong năm tới hy vọng tình hình tốt lên, tăng trưởng có thể đạt 6% và năm tới nữa hy vọng có thể đạt từ 6 - 6,5%. TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 6%/năm, tỷ lệ lạm phát đạt khoảng 3,15%/năm. “Nhiệm kỳ này nếu không bứt tốc, không có động lực tăng trưởng mới sẽ khó đạt được các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra".

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phát biểu. Ảnh: Hồ Long

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhận diện những động lực hiện hữu cho tăng trưởng, TS. Cấn Văn Lực cho biết, từ phía cung, công nghiệp và xây dựng vẫn là động lực quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tăng trưởng rất chậm, dưới 2%, do xuất khẩu giảm, kéo theo sản xuất trong nước giảm.

Từ phía cầu, động lực đến từ đầu tư, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng. Trong đó, về xuất khẩu, do mức độ nhập khẩu giảm tương đối nhanh và mạnh so với xuất khẩu nên thặng dư thương mại đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Tuy nhiên, cả hai trụ cột là đầu tư và tiêu dùng đều tăng trưởng thấp. Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy cả ba động lực: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong thời gian tới.

Cùng với việc thúc đẩy những động lực hiện hữu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng mới. Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, có 7 động lực tăng trưởng mới.

Trong đó có động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Dự báo, kinh tế số của Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 25 - 30% GDP và đóng góp khoảng 0,63 - 1,35 điểm % vào mức tăng trưởng GDP hàng năm.

Quang cảnh phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Động lực tăng trưởng từ kinh tế số sẽ kéo động lực tăng trưởng từ năng suất lao động tăng lên và các nhân tố TFP (gia tăng chất lượng). Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất lao động và TFP bởi những kết quả những năm gần đây vẫn cách xa so với mục tiêu đã nêu.

Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo BIDV dự báo, với đà này cùng việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng, năng suất lao động Việt Nam dự báo tăng khoảng 5 - 5,5 % giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6 - 6,5% giai đoạn 2026 - 2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40 - 45% giai đoạn 2021 - 2025 và 50 - 55% giai đoạn 2026 - 2030.

Một động lực tăng trưởng rất quan trọng nữa đến từ từ khu vực kinh tế tư nhân. Nêu bật điều này, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này mới có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50 - 55% GDP đến năm 2030.

Bên cạnh đó là các động lực tăng trưởng mới đến từ cải cách thể chế kinh tế; từ kinh tế xanh gắn với chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho các mô hình kinh tế mới

Trên cơ sở nhận diện các động lực hiện hữu và các động lực mới, nhóm nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực đưa ra hai nhóm giải pháp khuyến nghị: nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu và nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới.

Đối với nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, cần thực thi thật tốt những cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, và cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh – an sinh xã hội. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu liên quan đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Cần phối hợp chính sách tốt nhằm vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng, vừa bảo đảm tăng trưởng bền vững. Cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ nguồn lực tốt hơn.

Đối với nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới, TS. Cấn Văn Lực đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho kinh tế mới (như kinh tế số, kinh tế xanh…); sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia (cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng). Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thúc đẩy liên kết vùng, nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ và lao động. Cùng với đó, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu.

Cần khai thác nguồn lực về thể chế

Trình bày tham luận “Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu rõ, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 đã mang lại một số kết quả tích cực.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số đã đóng góp rất ấn tượng vào tăng trưởng, với tỷ lệ đóng góp vào GDP đạt 11,91% năm 2021, tăng lên 14,26% năm 2022 và đạt gần 15% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Cùng với đó, tư duy và khung chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm từng bước được cụ thể hóa, phù hợp với trình độ và ưu tiên phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 31 của Quốc hội và để trả lời được câu hỏi “cần phải làm gì để có tư duy mới, động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới”, TS.Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, việc tăng cường năng lực nội sinh là yêu cầu bức thiết, đặt trong bối cảnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta trong giai đoạn tới được đề ra ở mức cao và nhất là khi Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cực kỳ năng động. Điều này càng đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023. Ảnh: Hồ Long

Qua nghiên cứu, khảo sát quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, TS.Trần Thị Hồng Minh nhận thấy, điểm tích cực là đã có những nền tảng cho đổi mới tư duy.

Điều này có thể thấy qua việc thời gian qua Quốc hội đã quyết liệt đồng hành với Chính phủ nhằm tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, về chính sách hoạt động cho các nội dung liên quan đến cải cách, điều hành của Chính phủ; tư duy xây dựng cơ chế thử nghiệm; có cơ chế đặc thù cho một số địa phương…

Để hiện thực hóa những tư duy ấy đòi cần có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. “Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân, doanh nghiệp nắm giữ mà cần khai thác nguồn lực về thể chế”, TS.Trần Thị Hồng Minh nói.

Thể chế là nguồn lực mang tính “chìa khóa vàng”. Khai thác được nguồn lực về thể chế sẽ tạo ra bệ đỡ cho những cải cách tiếp theo; tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng được Chính phủ số, xã hội số, qua đó đóng góp vào tăng cường năng lực nội sinh cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn, tập trung vào các chủ đề : “chuyển đổi xanh”, những lĩnh vực Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải cách, cơ cấu lại ngành bán lẻ và thương mại hiện đại; ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp; tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển…

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thuc-day-dong-luc-tang-truong-hien-huu-phat-huy-dong-luc-moi-i343518/