Thúc đẩy bình đẳng giới từ hoạt động của mô hình Câu lạc bộ 'Thủ lĩnh của sự thay đổi'

Câu lạc bộ 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' là một trong 4 mô hình cơ bản nằm trong chương trình của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'.

Thành viên CLB thủ lĩnh của sự thay đổi tham gia trò chơi ghép tranh tại các buổi truyền thông.

Giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2025), dự án đề ra chỉ tiêu 74 mô hình Câu lạc bộ được củng cố, hoặc thành lập mới được thành lập trong trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn, nhằm trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em...

Ra mắt CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trường THCS Cao Kỳ.

Tháng 3/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với UBND xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới trực tiếp chỉ đạo thành lập mô hình điểm Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Cao Kỳ. Mô hình gồm 30 thành viên là trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 - 16 tuổi. Tham gia Câu lạc bộ, các em được cung cấp những kiến thức như: Quyền trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng... được tạo điều kiện để trải nghiệm, phát huy các sở trường của mình và tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ tại trường học, tại thôn và tại xã.

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng các thành viên CLB đã tiến bộ rất nhiều, các em hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em; mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp, chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà trường; phát huy được vai trò nòng cốt tuyên truyền, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, tảo hôn… Đây trở thành một sân chơi, một diễn đàn thực sự dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là nơi để trẻ cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi...

Em Nguyễn Bảo Châu, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Cao Kỳ chia sẻ: “Chúng em thật sự cảm thấy vinh dự khi được là thành viên của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, mô hình điểm của tỉnh Bắc Kạn. Chúng em sẽ phát huy thật tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong Câu lạc bộ, sẽ là những người tiên phong thay đổi, tuyên truyền, vận động các bạn cùng thay đổi, hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn, xây dựng và tổ chức các hoạt động của Câu lạc bộ có hiệu quả”.

Theo bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc triển khai mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong trường học tạo ra một một cách làm mới ở nhà trường trong lĩnh vực bình đẳng giới. Những thành viên của Câu lạc bộ sẽ là cầu nối giữa các thành viên nhà trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong cộng đồng, để thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Từ mô hình điểm của Hội LHPN tỉnh triển khai, mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi đang được nhân rộng tại các địa bàn thực hiện Dự án 8. Tính đến ngày 15/12/2023, các cấp Hội LHPN đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức ra mắt thành lập được 44 Câu lạc bộ tại các trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thành lập 30 câu lạc bộ, hoàn thành chỉ tiêu giao. Những hoạt động thiết thực của các câu lạc bộ trong thời gian qua đã góp phần hiệu quả trong việc trang bị cho học sinh người dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích, từ đó giúp các em thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Lan Chi (Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-tu-hoat-dong-cua-mo-hinh-cau-lac-bo-thu-linh-cua-su-thay-doi-post59242.html