Thức ăn đường phố - Không phải bây giờ mới quản lý!

Thông tư số 30/2012/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 20-1) quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh nội dung và việc triển khai Thông tư này.

* Cụ thể loại hình thức ăn đường phố nào sẽ phải chịu sự quản lý theo các quy định của thông tư này?

* Lâu nay, nhiều người cứ quan niệm rằng thức ăn đường phố là các mặt hàng thực phẩm được bày bán ở ngoài đường phố, nhưng khi Thông tư 30 ra đời, thức ăn đường phố được quy định cụ thể hơn. Đó là thức ăn đường phố loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự.

* So với các quy định về quản lý thức ăn đường phố trước đây, Thông tư 30 có điều gì khác biệt?

* Thông tư 30 có tất cả 11 điểm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố từ địa điểm, trang thiết bị dụng cụ cho tới người kinh doanh thức ăn đường phố. Những quy định trong Thông tư 30 cũng được dựa vào các quy định đã từng có trước đây, nhưng được cụ thể hóa hơn, đơn giản hơn và thậm chí còn bỏ bớt một số điều kiện.

* Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe và có chứng nhận sức khỏe của cơ quan chức năng cấp xem ra khó khả thi?

* Đây là những quy định bắt buộc và trước đây khi Thông tư 30 chưa ra đời thì đã có quy định về vấn đề này. Sở dĩ quy định người kinh doanh thức ăn đường phố phải khám sức khỏe và có chứng nhận sức khỏe là để họ tự giác, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, cũng như đối với cộng đồng và người tiêu dùng nhằm ngăn ngừa ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Quy định là như vậy cũng không phải là để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lúc nào cũng đi kè kè kiểm tra người kinh doanh thức ăn đường phố xem có mắc bệnh hay không mà để làm cơ sở pháp lý để giám sát, xử lý khi có vi phạm, nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, cũng như răn đe nhằm nâng cao ý thức của người kinh doanh, đặc biệt là không để thực phẩm bị ô nhiễm thông qua người bán hàng không bảo đảm sức khỏe.

Thức ăn đường phố thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Q.KHÁNH

* Quy định là như vậy nhưng việc giám sát, kiểm tra, xử lý những vi phạm của kinh doanh thức ăn đường phố sẽ được triển khai như thế nào khi hiện nay cả nước có hàng trăm ngàn điểm kinh doanh thức ăn đường phố?

* Hiện nay cả nước có khoảng 400.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố, đây là một con số không nhỏ, nếu không tăng cường các biện pháp quản lý thì nguy cơ ngộ độc và lây nhiễm bệnh tật qua thức ăn đường phố là rất lớn. Do vậy, Thông tư 30 đã quy định và phân cấp cho sở y tế các tỉnh, thành phố và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra không quá 4 lần/năm với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn mình, cũng như tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người kinh doanh thức ăn đường phố. Còn việc thực hiện khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe là thẩm quyền của y tế từ tuyến quận huyện. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng có quyền tiến hành kiểm tra đột xuất thức ăn đường phố, nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm và các đợt kiểm tra cao điểm.

* Cảm ơn ông!

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2013/1/309782/