Thuận Châu trong hành trình thoát nghèo: Kỳ I: Chọn hướng đi phù hợp

Địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; có tới 6 xã vùng cao với trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí không đồng đều..., Thuận Châu không có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Song với quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 5/7/2022, về lãnh đạo thực hiện mục tiêu đưa huyện Thuận Châu thoát nghèo. Lựa chọn hướng đi phù hợp, các vùng quê của huyện đang nỗ lực phát triển kinh tế, tạo những bước chuyển mình vững chắc.

Thị trấn Thuận Châu hôm nay.

Cây ăn quả đẩy lùi cây thuốc phiện

Từ thị trấn Thuận Châu, chúng tôi lên vùng cao Co Mạ, một trong 6 xã vùng cao của huyện. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Vì A Sếnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, phấn khởi: Gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/HU, chúng tôi tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả và triển khai được một số mô hình mới. Điều đáng mừng là trong hành trình phát triển, đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân trong xã ủng hộ những cách làm mới. Nhà báo về các bản sẽ nhận thấy, cây ăn quả, cây dược liệu và một số cây trồng khác đang từng bước phủ xanh diện tích đất nương đồi.

Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy Thuận Châu, kiểm tra mô hình trồng thanh long tại xã Chiềng Pha

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhắc đến Co Mạ, ai cũng nghĩ ngay về một vùng quê "thủ phủ" của cây thuốc phiện. Những cây "hoa anh túc" hiện hữu trên các nương đồi mà hệ lụy của nó thật không nhỏ - một bộ phận nhân dân trong xã, cả người già, người trẻ nghiện thuốc phiện. Cùng với đó là các hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỉ… cái đói, đói nghèo đeo bám cuộc sống các gia đình. Bây giờ Co Mạ đã khác rồi, cây thuốc phiện bị triệt phá; xã chỉ còn trên 30 người nghiện thuốc phiện đang được quản lý tại cộng đồng. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; chủ trương, đề án phát triển kinh tế của tỉnh, của huyện và được định hướng, hỗ trợ, nhân dân các bản đã và đang triển khai các mô hình kinh tế mới.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế ở một số bản, câu chuyện của chúng tôi với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của bà con khiến cho chặng đường đi như ngắn lại. Anh Sếnh bảo: Trải qua một thời gian dài giúp nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, đến nay, Co Mạ đã có trên 54 ha cây xoài và nhãn, tập trung ở các bản Nong Vai, Cát, Mỡ. Đặc biệt, năm 2022, xã đã ký hợp đồng với Công ty xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao trồng 7 ha cây dứa Queen tại bản Cát, bản Nong Vai.

Đón chúng tôi tại vạt đồi trồng cây sa nhân đang ra hoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pha Khuông Vừ A Tòng cho hay: Năm 2020, bản được chọn trồng thí điểm 6 ha cây sa nhân trên diện tích đất nương. Cuối năm 2022, sa nhân cho thu hoạch quả, tuy chưa nhiều, nhưng bán với giá từ 11.000-12.000 đồng/kg quả tươi. Hy vọng năm nay, sản lượng sẽ lớn hơn.

Theo anh Tòng, cùng với chăm sóc cây sa nhân, bà con trong bản còn trồng 16 ha cây dong riềng, sản lượng năm 2022 đạt 160 tấn củ tươi, bán với giá 25.000 đồng/kg, như vậy thu 25 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng cây lúa nương. Hiện nay, Pha Khuông còn 38/123 hộ nghèo.

Lãnh đạo xã Co Mạ trao đổi với bà con về mô hình trồng cây dong riềng

Về bản Co Mạ, gặp Bí thư, Trưởng bản Vàng A Mai còn rất trẻ, với 29 tuổi đời, hơn 3 năm tuổi Đảng. Anh Mai nói: Tỷ lệ hộ nghèo của bản còn khá cao, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng, với định hướng phát triển mạnh kinh doanh dịch vụ và chuyển đổi cây trồng trên đất nương, mức sống của bà con sẽ từng bước được nâng lên. Đặc biệt, chúng tôi đang học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh từ mô hình trồng thí điểm của cán bộ Công an xã. Cũng đã có doanh nghiệp lên xã vận động liên kết trồng thử, nhưng UBND xã chỉ đạo, khi mô hình trồng thử nghiệm cho hiệu quả và chúng tôi đã nắm chắc kỹ thuật, lúc đó mới ký hợp đồng trồng cây sâm Ngọc Linh với doanh nghiệp.

Bà con xã Co Mạ trồng thí điểm mô hình sâm ngọc linh.

Được chứng kiến, được chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo và nhân dân trong xã, chúng tôi cảm nhận được quyết tâm và nỗ lực vì một cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn.

Chọn sản phẩm chủ lực tạo thế phát triển

Trở lại Phổng Lái - xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Thuận Châu vào năm 2017, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về những đổi thay khá toàn diện của vùng quê này. Và thật ấn tượng với những nương chè trải rộng ngút tầm mắt, bà con đang thu hái những chè búp tươi; những cô gái, chàng trai check-in bên những luống chè xuân xanh mơn mởn.

Mô hình chè của nhân dân xã Phổng Lái đang được quy hoạch xây dựng khu du lịch cộng đồng

Tay thoăn thoắt hái những búp chè, chị Sồng Thị Vỹ, bản Cổng Chập, phấn khởi: Gia đình tôi trồng 2.000 m2 chè, mỗi năm thu 3 tấn chè búp tươi, bán với giá 8.000 đồng/kg. Không phải lo đầu ra cho sản phẩm, bởi các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn bao tiêu toàn bộ sau khi thu hái. Vì vậy, gia đình tôi dự định sẽ mở rộng diện tích trồng chè thay cây ngô, cây sắn trên diện tích đất nương.

Từ câu chuyện của chị Vỹ về việc được bao tiêu sản phẩm chè búp tươi, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận - một trong những đơn vị thu mua sản phẩm cho bà con trên địa bàn và khu vực lân cận. Mời chúng tôi thưởng thức chén chè Trọng Nguyên - sản phẩm chè của HTX chế biến được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, chị Bình cho hay: Mỗi năm HTX thu mua trên 2.000 tấn chè búp tươi cho bà con trong xã và các xã Chiềng Pha, Phổng Lập, Mường É. Chúng tôi chế biến được từ 400-500 tấn chè thành phẩm, xuất bán cho một số công ty ở thành phố Hà Nội. Chúng tôi dự định mở rộng quy mô sản xuất để bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho nhân dân trong khu vực, với mong muốn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nói về cây chè trên đồng đất Phổng Lái, đồng chí Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Trải qua nhiều thăng trầm, chè đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Hiện nay, Phổng Lái có 650 ha chè, được trồng ở 14 bản, với khoảng 2/3 số hộ dân trong xã trồng chè. Năng suất bình quân đạt 12 tấn chè búp tươi/ha. Năm nay, bán với giá 8.000 đồng/kg. Nói như vậy, chắc nhà báo cũng nhận thấy, chè đang là cây trồng giúp các hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, hàng năm, Đảng bộ đều ban hành nghị quyết về phát triển cây chè. Đối với các bản đồng bào dân tộc Mông, việc tuyên truyền trồng chè được giao cho cán bộ dân tộc Mông, nhất là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020 là người dân tộc Mông nên khá thuận lợi trong việc mở rộng diện tích chè ở các bản này.

Tín hiệu vui cho người trồng chè ở Phổng Lái, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn xã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận “Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Phổng Lái, Thuận Châu” cho các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu. Xã còn chủ trương đề xuất với huyện quy hoạch khu du lịch gắn với đồi chè, với sản phẩm chè sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, dự kiến khoảng 500 ha, từ đèo Phạ Đin trở lại. Đây sẽ là cơ hội cho người trồng chè nói riêng và xã Phổng Lái nói chung phát triển nông nghiệp bền vững gắn với dịch vụ du lịch, góp phần cùng huyện đạt được mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025.

Tận dụng mặt hồ nuôi thủy sản

Trên tuyến tỉnh lộ 116 qua xã Tông Cọ, Mường Khiêng, Bó Mười, chúng tôi về Liệp Tè. Trước đây, để vào xã phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, năm 2022, tuyến đường Bó Mười - Liệp Tè dài hơn 20 km được Nhà nước đầu tư xây dựng, nên chỉ đi khoảng nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở xã.

Năm 2005, Liệp Tè là xã đầu tiên của huyện Thuận Châu thực hiện di chuyển dân để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Hiện nay, xã có 943 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Thái, La Ha sinh sống ở 15 bản. Trước đây, bà con chỉ quen canh tác trên đất ruộng, đất nương, năng suất đạt thấp, cuộc sống khó khăn. Khi thủy điện Sơn La tích nước, đất canh tác thu hẹp do bị ngập, nhân dân đã mua sắm những chiếc thuyền nhỏ và dụng cụ đánh bắt thủy sản trên mặt hồ.

Mô hình nuôi cá lồng của nhân dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu

Đồng hành cùng nhân dân phát triển kinh tế, năm 2017, từ nguồn vốn di dân TĐC thủy điện Sơn La, huyện đã đầu tư cho bà con các bản dọc sông Đà 2 tỷ đồng để nuôi 200 lồng cá. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ lồng, cá giống, thức ăn chăn nuôi. Ông Quàng Văn Tiếp, Bí thư Đảng ủy xã Liệp Tè, cho biết: Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã thành lập Tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hộ gia đình nuôi cá liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; vận động, hỗ trợ nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện sản xuất theo hình thức gối vụ để đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Xã còn phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện xây dựng các mô hình, dự án phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ xã Liệp Tè phấn đấu đến năm 2025 phát triển lên 700 lồng cá; phát triển nghề nuôi cá lồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, xã đã có 710 lồng cá, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường đạt trên 50 tấn/năm.

Xuôi sông Đà, đến thăm mô hình nuôi cá lồng của HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, chúng tôi cảm nhận rõ về sự đổi thay trong cách làm ăn theo hướng sản xuất hàng hóa của các thành viên và nhân dân ở các bản Ban Xa, Tát Ướt, Mồng Luông, Ta Mạ, đã năng động tận dụng mặt hồ đầu tư nuôi cá lồng. Ông Quàng Văn Hiện, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 35 thành viên, quy mô sản xuất là 340 lồng cá. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn, đem lại lợi nhuận từ 35 triệu đồng trở lên/lồng cá/năm.

Mô hình nuôi cá lăng lồng của bà con xã Liệp Tè cho thu nhập cao

Theo ông Quàng Văn Tiếp, Bí thư Đảng ủy xã Liệp Tè, tuy là xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, kinh tế - xã hội của xã đã có bước chuyển biến tích cực. Riêng năm 2022, xã có 63 hộ thoát nghèo.

Lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương khai thác tiềm năng lợi thế vùng, miền để tìm hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu đang tự tin bước dần về đích thoát nghèo.

Hồng Luận - Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/thuan-chau-trong-hanh-trinh-thoat-ngheo-ky-i-chon-huong-di-phu-hop-MSTHyn8VR.html