Thừa Thiên Huế: Hội doanh nghiệp nữ hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số doanh nghiệp do nữ doanh nhân quản lý hiện chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn là doanh nhân trẻ, năng động có nhiều hoài bão phát triển doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu, trong quá trình hoạt động, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, vận động, tập hợp đối tượng doanh nhân nữ để đoàn kết, phát huy sức mạnh, tính năng động sáng tạo của chị em trong môi trường hoạt động chung của Hiệp Hội. Trong 9 tháng đầu năm 2017, hiệp hội đã góp phần không nhỏ trong việc liên kết tạo thành chuỗi cung ứng, hợp tác thành lập thêm doanh nghiệp mới, tạo sức cạnh tranh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra, cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào… nhằm vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp nữ Thừa Thiên Huế ra mắt tại buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam được tổ chức tại Huế.

Bà Đặng Thị Thùy Dương Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế cho biết, với mục tiêu hỗ trợ d-oanh nhân nữ phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc và tích cực tham gia các hoạt động nâng cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thời gian qua, ngoài việc giúp đỡ chị em trong quản trị doanh nghiệp để làm ăn có lãi, đóng góp cho sự phát triển của Cố đô, Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện có ý nghĩa như "Chương trình tết vì người nghèo", "một bức tranh nhiều hy vọng" hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở các bệnh viên, đồng hành ủng hộ ngư dân biển đảo…Trong thời gian tới, Hội nữ doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xây dựng một sản phẩm du lịch mới tại cầu ngói Thanh Toàn và vận hành dự án cộng đồng “Ekocenter” tại đây.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được Quốc hội ban hành vào giữa năm nay đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ cũng được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành… Nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Chị Nguyễn Thị Doan Trang- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thêu may Đoan Trang- cho biết, là đơn vị có hơn 30 công nhân chuyên về các sản phẩm thêu may áo dài và tranh thêu. Với mong muốn đưa các sản phẩm đặc trưng, những nét văn hóa truyền thống của Cố đô đến bạn bè thập phương, nhưng có nhiều thời điểm, doanh nghiệp của chị gặp khó khăn do phải tự vận động tiêu thụ sản phẩm. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả, việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đơn vị mong muốn các ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, làm sao để doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn- chị Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Doan Trang (ngoài cùng bên trái), Giám đốc, DNTN Thêu may Đoan Trang đang hướng dẫn nữ công nhân thêu chi tiết sản phẩm

Nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc dưới tác động của các cuộc cách mạng hội nhập hay cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Thiết nghĩ, song hành cùng những chính sách về bình đẳng giới thì các biện pháp thúc đẩy kinh doanh của phụ nữ, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những chính sách kinh tế thân thiện với phụ nữ cần được triển khai, có như vậy phụ nữ trong kinh doanh sẽ là “mỏ vàng ròng” của các nền kinh tế.

Hoàng Dương

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thua-thien-hue-hoi-doanh-nghiep-nu-ho-tro-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh.html