Thừa Thiên Huế: Hồ đập thủy điện, thủy lợi góp phần cắt lũ cho hạ du

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ động điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ, các hồ đập đã góp phần cắt lũ, giảm lũ cho hạ du

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thừa Thiên Huế cho biết, trong tháng 10 và đầu tháng 11/2023 liên hồ chứa nước trên lưu vực sông Hương trải qua các đợt mưa lũ liên tục, với lượng mưa phổ biến từ 1.500-1.700mm, có nơi trên 2.000mm, đỉnh điểm mưa đặc biệt lớn từ ngày 13 - 16/11/2023.

Hồ thủy điện Bình Điền điều tiết nước về hạ du

Với lượng mưa lớn và diện rộng, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập, đồng thời điều tiết cắt lũ, giảm lũ cho hạ du, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp chỉ đạo công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương; chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thừa Thiên Huế ban hành các lệnh điều chỉnh qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần đối với các hồ chứa nhằm ứng phó với tình hình phức tạp của mưa lũ và đón lũ.

Theo đó, từ ngày 13-16/11/2023 tổng lượng mưa đo được tại các trạm trong lưu vực hồ Tả Trạch là 960 - 1.132mm/4ngày, đặc biệt trong ngày 14/11 lượng mưa từ 658-831mm/24 giờ. Trong quá trình vận hành cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du, hồ Tả Trạch tăng mực nước từ 38,78m lên 46,19m(tức tăng 7,41m), tổng lượng nước đến hồ 472 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 186 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 286 triệu m3, cắt giảm 39% tổng lượng nước về hạ du.

Trong quá trình vận hành điều tiết cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du hồ Bình Điền tăng mực nước từ 80,16m lên 83,87m (tăng 3,71m), tổng lượng nước đến hồ 301 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 60 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 241 triệu m3, cắt giảm 20% tổng lượng nước về hạ du.

Theo tính toán của cơ quan chức năng của Thừa Thiên Huế, nếu không có hồ Tả Trạch và thủy điện Bình Điền vận hành giảm lũ, mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long có thể vượt mức +5,5m, vận hành hồ đã cắt giảm lũ cho hạ du khoảng 1,16m.

Tương tự, lũ trên lưu vực hồ Hương Điền xuất hiện 2 đợt, trong quá trình vận hành cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du, hồ chứa thủy điện Hương Điền tăng mực nước hồ từ 55,8m lên 58m (tăng 2,2m), tổng lượng nước đến hồ 527 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 97 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 430 triệu m3, cắt giảm 18,4% tổng lượng nước về hạ du.

Mặc dù tham gia cắt lũ, giảm lũ nhưng với lượng mưa đặc biệt lớn và diện rộng nên hơn 85% các tuyến đường trên địa bàn Thừa Thiên Huế bị ngập lụt, giao thông chia cắt

Ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trận lũ vừa qua, các hồ thủy điện, thủy lợi đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ hiệu quả.

Theo dõi sát diễn biến mực nước sông Hương tại trạm Kim Long (TP. Huế) để điều chỉnh lưu lượng vận hành đảm bảo khống chế mực nước tại Kim Long không vượt mức +1,7m theo quy định, tạo dung tích phòng lũ. Đối với hồ Hương Điền, đơn vị căn cứ trên dữ liệu vận hành quá khứ các năm 2020, 2022 và 2023 với mức lưu lượng 400-600m3/s, tùy vào mức triều cường ở hạ du đảm bảo mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc không vượt +2,7m, và sông Hương tại trạm Kim Long không vượt +1,7m.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, trước diễn biến mưa lũ hết sức phức tạp, mưa cực đoan trong thời gian ngắn ở vùng núi như tại Thượng Quảng (Nam Đông) thuộc lưu vực hồ Tả Trạch, mưa kỷ lục 819mm/17 giờ trong ngày 14/11, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh luôn tổ chức trực ban theo dõi sát diễn biến thời tiết chủ động xây dựng, điều chỉnh kịch bản vận hành liên hồ chứa, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du các sông trước đợt mưa kéo dài liên tục với lượng mưa rất lớn, tập trung tại vùng núi huyện Nam Đông, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Hòa hiện công tác vận hành hồ chứa hiện nay vẫn còn một số khó khăn, bất cập như độ chính xác của các bản tin dự báo mưa, đây là khó khăn khách quan chung do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và dự báo định lượng mưa cực khó, mưa không đều giữa các khu vực, mưa cực đoan trong thời gian ngắn, mưa cực đoan khu vực hạ du sau đập. Việc chấp hành của các chủ hồ chứa trong quá trình vận hành còn có lúc chưa đảm bảo yêu cầu, trong khi chưa có thiết bị đo kiểm soát, giám sát lưu lượng vận hành qua tràn.

Hệ thống thoát lũ vùng hạ du đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, các trục thoát chính bị bồi lắng, rác, bèo cản dòng chảy, nò sáo nuôi trồng thủy sản gây cản trở dòng chảy ra phá, đặc biệt khu vực sau cống Cầu Long, cống Diên Trường hạ lưu sông Hương.

Đồng thời, thông tin cảnh báo hạ du chưa đồng bộ, nhất là trong tình hình ngập lụt kéo dài nhiều ngày, gió bão làm gãy cột điện gây mất điện lưới và làm hư hỏng hệ thống loa truyền thanh… Bên cạnh đó, một số quy định quá ràng buộc khiến quỹ thời gian vận hành hạ mực nước hồ của các chủ hồ không đủ, đặc biệt nội dung tại điểm d, khoản 1, Điều 8 và điểm d, khoản 1, Điều 9 của Quyết định 1606/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương.

Trong đợt lũ từ ngày 13 – 16/11, tuy cắt giảm được đỉnh lũ, nhưng mưa với cường suất lớn, kéo dài, tập trung ở vùng miền núi cũng đã làm hơn 17 nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập, nhiều nơi vùng đồng bằng, vùng trũng, hệ thống giao thông bị ngập sâu, chia cắt; ở vùng núi sạt trượt gây ách tắc giao thông.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-ho-dap-thuy-dien-thuy-loi-gop-phan-cat-lu-cho-ha-du-287485.html