Thua lỗ từ chứng khoán, Nhà Đà Nẵng (NDN) âm dòng tiền kinh doanh cả trăm tỷ đồng

CTCP Nhà Đà Nẵng (NDN) ghi nhận thua lỗ từ đầu tư chứng khoán, dòng tiền kinh doanh cũng âm tới hơn 100 tỷ đồng.

Nhà Đà Nẵng (NDN) đầu tư chứng khoán thua lỗ cả trăm tỷ đồng, bổ sung thành viên HĐQT từ một công ty chứng khoán khác

Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 24/6 tới đây tại Đà Nẵng, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) đã công bố bổ sung thông tin của 4 nhân sự mới trong HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 bao gồm ông Võ Ngọc Khang, bà Cao Thị Thiện, ông Nguyễn Ngọc Quang và ông Nguyễn Văn Tâm.

Trong đó đáng chú ý nhất là ông Võ Ngọc Khang, sinh năm 1992. Ông Khang từng tham gia làm việc tại 3 công ty chứng khoán là Chứng khoán VNDirect, chứng khoán Đà Nẵng và Chứng khoán VPS trước khi được bổ sung vào HĐQT của Nhà Đà Nẵng.

 Thua lỗ từ chứng khoán, Nhà Đà Nẵng (NDN) vừa bổ sung nhân sự mới cho HĐQT đến từ một công ty chứng khoán khác (Ảnh TL)

Thua lỗ từ chứng khoán, Nhà Đà Nẵng (NDN) vừa bổ sung nhân sự mới cho HĐQT đến từ một công ty chứng khoán khác (Ảnh TL)

Điều khiến cổ đông quan tâm đó là trong năm 2022, Nhà Đà Nẵng cũng tham gia đầu tư chứng khoán và ghi nhận lỗ khoảng 115 tỷ đồng, trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 64 tỷ đồng. Và tại thời điểm kết thúc năm 2022, lượng tài sản được Nhà Đà Nẵng đem đi đầu tư chứng khoán chiếm hơn 310 tỷ đồng, tương đương khoảng 20,5% tổng tài sản của công ty.

Danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng bao gồm hai mã chủ đạo là VHM và HPG. Trong đó công ty đã đầu tư 172 tỷ đồng vào VHM, trích lập dự phòng 29 tỷ đồng. Công ty cũng đã đầu tư gần 79 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG, 36 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB, 24 tỷ đồng vào cổ phiếu DGC, 18 tỷ đồng vào MWG và 14 tỷ đồng vào VND.

Mặc dù trong năm 2023, công ty đã có định hướng tái cơ cấu lại danh mục đầu tư chứng khoán nhưng việc một công ty xây dựng, phát triển bất động sản lại tập trung nguồn lực cho đầu tư chứng khoán thật sự là điều khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Lợi nhuận Quý 1 tăng trưởng nhưng dòng tiền vẫn âm thêm cả trăm tỷ đồng, áp lực trả lãi vay tăng gấp đôi

Trong năm 2022 trước đây, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần đạt 57 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm tới 143 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi doanh thu giảm sút từ mảng bất động sản, ghi nhận lỗ tới 126 triệu đồng trong năm ngoái.

Tại Quý 1 năm 2023, doanh thu công ty tăng trưởng đột biến lên mức 215 tỷ đồng nhưng vẫn không biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm sút từ 23 tỷ đồng xuống chỉ còn 10 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính đang tăng mạnh từ 7 tỷ đồng lên tới 14 tỷ đồng. Dù rằng mảng bất động sản của công ty đã hoạt động trở lại nhưng kéo theo đó, chi phí bán hàng cũng tăng lên 6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức hơn 1 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của công ty trong kỳ đạt 106 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Điều đáng nói đó là mặc dù ghi nhận lợi nhuận cao nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NDN vẫn đang âm tới 101 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng bất chấp kinh doanh có lãi, dòng tiền của NDN vẫn đang không đủ cho các khoản chi ra trong kỳ.

Về lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh Quý 1, tiền thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 36 tỷ đồng, bất chấp doanh thu ghi nhận trên báo cáo lên tới 215 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty phải chi trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ, hàng hóa tới 118 tỷ đồng.

Vướng sai phạm trong cổ phần hóa, 222 tỷ đồng của NDN bị phong tỏa tại ngân hàng, tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa

Không chỉ âm nặng dòng tiền kinh doanh, cơ cấu tài sản của NDN còn gặp khó khăn khi tính thanh khoản của tài sản giảm sút. Tại thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng đạt 1.398 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Phần lớn tài sản của công ty nằm ở dạng đầu tư tài chính, lên tới 741 tỷ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 50%, từ 70 tỷ đồng xuống chỉ còn 34 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng tính thanh khoản của tài sản mà NDN nắm giữ cũng đang bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Nhà Đà Nẵng cũng từng công bố thông tin về việc giải quyết sai phạm trong quá trình cổ phần hóa từ năm 2010. Cụ thể thì hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm năm 2010 có nhiều điều chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Dựa theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng, khoản giá trị tài sản thiệt hại cho ngân sách nhà nước đã được sử dụng để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của NDN sau khi cổ phần hóa. Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã phong tỏa tài khoản số tiền 222 tỷ đồng của NDN tại Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh Đà Nẵng.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-lo-tu-chung-khoan-nha-da-nang-ndn-am-dong-tien-kinh-doanh-ca-tram-ty-dong-post252412.html