Thua kiện, Tập đoàn Cao su Việt Nam phải trả hơn 140 tỷ cho Thủy Điện Đắk R'Tíh

Đây là kết quả của việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần từ tháng 12/2016, khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam phải đối mặt với yêu cầu bồi thường và xử phạt vì vi phạm hợp đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa công bố thông tin về quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa CTCP Thủy Điện Đắk R’Tíh và GVR.

Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 3785/HĐ-CSVN ngày 8/12/2016 giữa CTCP Thủy Điện Đắk R’Tíh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM được yêu cầu liên đới hoàn trả cho Thủy Điện Đắk R’Tíh số tiền hơn 141 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Công ty cổ phần Thủy Điện Đắk R’Tíh đã nộp ký quỹ tại VCBS - chi nhánh HCM để đảm bảo thực hiện quyền mua cổ phần.

Nhà máy thủy điện Đăk R'Tih

Hồi giữa tháng 9/2016, Thủy Điện Đắk R'Tíh cùng các đối tác đã ký thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư. Thỏa thuận này đặt ra kế hoạch mua trọn lô gần 111 triệu cổ phần của các công ty thủy điện thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần với tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 1.415 tỷ đồng.

Theo phân chia, Công ty Thủy Điện Đắk R'Tíh sở hữu 15%, Công ty Sản xuất và Thương mại Bách Việt sở hữu 47,5%, Công ty Đầu tư Rồng Việt sở hữu 17,5%, Công ty Đầu tư TAD Sài Gòn sở hữu 10%, và ông Đặng Chính Trung sở hữu 10%. Sau đó, Thủy Điện Đắk R'Tíh trúng thầu và ký hợp đồng chuyển nhượng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần vào ngày 8/12/2016.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Thủy Điện Đắk R'Tíh đã gửi nhiều văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần triển khai và thực hiện các điều khoản cam kết theo hợp đồng mà không nhận được kết quả như mong đợi.

Ngày 20/12/2019, Thủy Điện Đắk R'Tíh đã khởi kiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, yêu cầu hoàn trả khoản tiền đặt cọc và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Qua bản án sơ thẩm ngày 26/04/2021, Tòa tuyên xử chấp nhận yêu cầu của Thủy Điện Đắk R'Tíh, đồng thời đưa ra quyết định hủy bỏ hợp đồng, buộc GVR hoàn trả tiền đặt cọc hơn 141 tỷ đồng, phạt vi phạm hợp đồng hơn 113 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại số tiền lãi hơn 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, Thủy Điện Đắk R'Tíh vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào theo bản án đã tuyên, do GVR đã nộp đơn đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM để kháng cáo đối với bản án của Toàn án Nhân dân TP.HCM.

Tập đoàn Cao su Việt Nam làm ăn ra sao?

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Tập đoàn Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.591 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 14% xuống hơn 1.603 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu: Doanh thu mủ cao su vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 80% tổng doanh thu, đạt 6.080 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý doanh thu sản phẩm từ cao su ghi nhận tăng 168 tỷ đồng so với quý IV/2022, tương ứng đạt 131,2 tỷ đồng (cùng kỳ -36 tỷ đồng). Ngoài mủ cao su, hoạt động chế biến gỗ cũng giảm đến 21%, còn hơn 660 tỷ đồng, chiếm 9% doanh thu.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính trong quý ở mức 351,4 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính lại giảm 41%, còn 131,3 tỷ đồng (114,6 tỷ đồng đến từ chi phí lãi vay). Chi phí khác giảm tới 67%, còn 104,4 tỷ đồng; trong đó các khoản khác giảm từ 319 tỷ đồng xuống 89 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các chi phí như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trương so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 217,9 tỷ và 667,4 tỷ đồng.

Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của Cao su Việt Nam đạt mức 1.416 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, Cao su Việt Nam thu về 22.079 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với kết quả đạt được năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.369,9 tỷ đồng, giảm 29,8%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra trong tháng 6/2023, GVR đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.264 tỷ đồng. Với kết quả này, GVR mới chỉ hoàn thành 79% kế hoạch này. Nhưng tại tháng 12/2023, Công ty thấy khó về đích nên đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu với: doanh thu thuần sau điều chỉnh giảm 12% xuống 24.243 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sau điều chỉnh giảm 19% xuống còn 3.956 tỷ đồng. Với kết quả năm 2024, GVR đã thực hiện hơn 85% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Cao su Việt Nam đạt hơn 78.385 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm. Các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp ghi nhận tăng từ 1.845 tỷ đồng lên mức 3.400 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm từ 4.230 tỷ đồng còn 3.404 tỷ đồng; chủ yếu giảm từ thành phẩm tồn kho khi từ 2.529 tỷ đồng (ngày đầu năm 2023) còn 1.796 tỷ đồng (ngày cuối năm 2023).

Nợ của Cao su Việt Nam ở mức 23.531 tỷ đồng, giảm 5,6% so với mức 24.932 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023. Khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn của doanh nghiệp giảm 18,7%, còn đạt 3.734 tỷ đồng.

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/thua-kien-tap-doan-cao-su-viet-nam-phai-tra-hon-140-ty-cho-thuy-dien-dak-rtih-120971.html