Thư viện trực tuyến lớn nhất thế giới không được cho mượn sách scan

Tòa án phán quyết rằng Internet Archive đã không làm gì khác ngoài việc là tạo ra 'các tác phẩm phái sinh', website này sẽ không có quyền scan và cho mượn sách như thư viện.

Ảnh: Zephyr_p/Shutterstock

Một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết chống lại Internet Archive trong vụ Hachette kiện Internet Archive. Bốn nhà xuất bản sách kiện Internet Archive, cho rằng trang web này không có quyền scan sách và cho mượn sách như một thư viện.

Internet Archive đã không làm gì khác ngoài việc là tạo ra “các tác phẩm phái sinh”

Thẩm phán John G. Koeltl đã quyết định rằng Internet Archive đã không làm gì khác ngoài việc tạo ra “các tác phẩm phái sinh” và do đó cần có sự cho phép từ những người giữ bản quyền cuốn sách trước khi cho mượn chúng thông qua chương trình Thư viện Khẩn cấp Quốc gia.

Internet Archive cho biết sẽ kháng cáo. “Quyết định của tòa án cấp dưới hôm nay trong vụ Hachette kiện Internet Archive là một đòn giáng mạnh vào tất cả thư viện và cộng đồng mà chúng tôi phục vụ”, Chris Freeland - Giám đốc Thư viện Mở tại Internet Archive - viết trong một bài đăng trên blog.

“Quyết định này ảnh hưởng đến các thư viện trên khắp Mỹ, những thư viện dựa vào hoạt động cho mượn kỹ thuật số được kiểm soát để kết nối người dùng với sách điện tử. Các tác giả sẽ bị tổn thương khi các mô hình cấp phép không công bằng là cách duy nhất để sách của họ có thể được đọc trực tuyến. Và nó kìm hãm quyền truy cập thông tin trong thời đại kỹ thuật số, gây hại cho tất cả độc giả, ở mọi nơi”.

Hai bên đã ra tòa vào hôm 20/3, Hachette cùng 3 ông lớn xuất bản khác là HarperCollins, John Wiley & Sons, và Penguin Random House tham gia với tư cách là nguyên đơn.

Trong phán quyết của mình, thẩm phán Koetl đã xem xét liệu Internet Archive có hoạt động theo nguyên tắc Sử dụng hợp lý hay không, nguyên tắc trước đây đã bảo vệ dự án bảo quản sách kỹ thuật số của Google Books và HathiTrust vào năm 2014, cùng những người dùng khác.

Xem xét việc "sử dụng hợp lý" là xem xét liệu việc sử dụng tác phẩm có bản quyền có tốt cho công chúng hay không, tác động của nó đến chủ sở hữu bản quyền như thế nào, bao nhiêu phần của tác phẩm đã được sao chép và liệu việc sử dụng đó có “biến đổi” một thứ có bản quyền thành một thứ gì đó mới hay không, và nhiều yếu tố khác.

Nhưng Koetl đã viết rằng bất kỳ “lợi ích bị cáo buộc” nào từ thư viện của Internet Archive “không thể lớn hơn tác hại của thị trường đối với các nhà xuất bản”, tuyên bố rằng “không có gì thay đổi về việc sao chép và cho mượn trái phép của Internet Archive”, và việc sao chép những cuốn sách này không cung cấp “lời phê bình, bình luận hoặc thông tin về tác phẩm”.

Ông cũng lưu ý rằng việc sử dụng Google Book được coi là “có tính biến đổi” vì nó tạo ra một cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được thay vì chỉ xuất bản các bản sao sách trên Internet.

Koetl cũng bác bỏ lập luận của Internet Archive rằng về mặt lý thuyết họ có thể đã giúp các nhà xuất bản bán được nhiều sách hơn, ông cho rằng không có bằng chứng trực tiếp chứng minh việc Internet Archive đã mua các bản sách giấy để sở hữu trước khi tạo bản sao điện tử là “không liên quan” với độc giả trực tuyến.

Theo dữ liệu thu được trong quá trình dùng thử, Internet Archive hiện có khoảng 70.000 lượt “mượn” sách điện tử mỗi ngày.

Bản quyền được tôn trọng

Vụ kiện xuất phát từ quyết định của Internet Archive về việc ra mắt “Thư viện Khẩn cấp Quốc gia” trong đại dịch Covid-19, cho phép mọi người đọc từ 1,4 triệu cuốn sách số hóa mà không cần nằm trong danh sách chờ.

Ảnh: societyofauthors.

“Thư viện Mở” hoạt động dựa trên cơ chế Mượn dạng Số có Kiểm soát - CDL (Controlled Digital Lending): một hệ thống nơi thư viện số hóa sách của họ và cung cấp quyền truy cập các bản sao này dưới dạng sách điện tử trên cơ sở một đổi một.

Nghĩa là nếu thư viện chỉ có một cuốn sách (đã được scan), nó có thể cho mượn bản cứng hoặc bản mềm, nhưng không thể đồng thời cả hai. Và một cuốn sách chỉ có thể được mượn bởi một người trong cùng một khoảng thời gian. Đây còn được gọi là “tỷ lệ giữa số sách sở hữu và số sách cho mượn” (own-to-loan ratio). Khác với các dịch vụ như OverDrive hay thư viện Kindle của Amazon là các chương trình cung cấp sách điện tử được cấp phép bởi các nhà xuất bản.

Một số người không hài lòng về cách làm của Internet Archive và nhóm nhà xuất bản đã kiện tổ chức này vào tháng 6/2020. Cuối tháng đó, Internet Archive tắt chương trình “Thư viện Khẩn cấp Quốc gia”.

Sau phán quyết, Internet Archive cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như một thư viện theo những cách khác, bất chấp quyết định này. Freeland viết: “Trường hợp này không ảnh hưởng nhiều đến các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp với sách số hóa bao gồm cho mượn liên thư viện, liên kết trích dẫn, khai thác văn bản và dữ liệu, mua sách điện tử cũng như quyên góp và bảo quản sách liên tục”.

Maria A. Pallante, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, đã gửi đi một thông điệp rằng: “Cộng đồng xuất bản rất biết ơn Tòa án vì đã khẳng định rõ ràng Đạo luật Bản quyền và tôn trọng tiền lệ đã được thiết lập".

"Khi bác bỏ các lập luận có thể đẩy việc sử dụng hợp lý đến mức phi logic, Tòa án đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các tác giả, nhà xuất bản và thị trường sáng tạo. Để tôn vinh ý kiến này, chúng tôi cũng cảm ơn hàng nghìn thư viện công cộng trên khắp đất nước đã phục vụ cộng đồng của họ hàng ngày thông qua giấy phép sách điện tử hợp pháp. Chúng tôi hy vọng ý kiến này sẽ mang tính giáo dục cho bị cáo và bất kỳ ai khác thấy các luật pháp công cộng gây bất lợi cho lợi ích của chính họ".

Khánh Hòa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-vien-truc-tuyen-lon-nhat-the-gioi-khong-duoc-cho-muon-sach-scan-post1415728.html