Thư về tòa soạn: Người biến đồi đá thành vườn cây sai quả

Tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có vườn cam, quýt được trồng trên vùng đất núi lửa, cho hương vị rất đặc biệt. Đó là vườn cam, quýt thuộc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú, xã Quảng Phú, do bà Nguyễn Thị Mai làm Giám đốc.

Kể về hành trình biến đồi đá ong thành vườn cây tốt tươi, bà Mai cho biết, cách đây khoảng chục năm, vùng đất này hoang vắng lắm, "đặc sản" chỉ toàn đá ong, không mấy ai mặn mà. Từ suy nghĩ cần phải thay đổi vùng đất đó, khoảng năm 2015, bà quyết định dừng nghề thu mua nông sản, dành thời gian, tâm sức cho vùng đất này. Bà mời chuyên gia nông nghiệp ở Nhật Bản đến chân núi Nâm Kar, thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú khảo sát và biết trong lớp đá ong có nhiều khoáng chất, dinh dưỡng song tầng đất khá mỏng.

Từ đó, bà Mai bắt tay vào cải tạo vùng đất đá sỏi, cỏ dại để trồng thử nghiệm 4ha cam, quýt. Thấy người phụ nữ đổ tiền tỷ, suốt ngày lam lũ nắng mưa dời từng tảng đá để trồng cây, nhiều người lời ra tiếng vào khuyên bà nên dừng lại. Để tránh tâm trí bị xáo trộn, bà Mai phải đóng cửa, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài trong 3 năm. Kết quả, trời không phụ công người, những chồi xanh bé xíu đã vươn cao trên cánh đồng đá, đơm hoa, kết trái trĩu cành. Nhờ kiên định với con đường canh tác nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm cam, quýt của vườn bà Mai có đặc trưng rất riêng biệt: Quả căng mọng, mỏng vỏ, dày thịt, cho vị ngọt thanh, không quá gắt, dậy hương thơm lừng.

Bà Nguyễn Thị Mai tiết lộ: “Tôi không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà để cỏ mọc tự nhiên, đến thời gian nhất định sẽ cắt ngang cho hoai mục tại chỗ; tận dụng những quả cam, quýt bị hỏng để ủ, bón lại cho vườn cây. Để phòng ngừa sâu bệnh, tôi ủ các nguyên liệu tự nhiên như gừng, tỏi, ớt, quế... để phun cho cây. Chính khoáng chất có trong đá ong được kết tinh từ tro núi lửa, cùng với việc tuân thủ lối canh tác thuận tự nhiên, không dùng phân bón hóa học đã làm nên hương vị đặc trưng không lẫn với nơi nào khác”.

Bà Nguyễn Thị Mai giới thiệu về vườn cam của mình.

Với mong muốn mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu riêng cho cam, quýt vùng đất núi lửa và đặc biệt là tạo việc làm cho bà con quanh vùng, năm 2018, bà Nguyễn Thị Mai thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Bà cũng mở rộng vườn cây lên 35ha, trồng thêm nhiều loại cây khác như bưởi, chuối, chanh...; đồng thời đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Vườn cây đã cho thu hoạch ổn định với hơn 150 tấn cam, quýt/năm. Sản phẩm của vườn thường ra trái vụ, lại có hương vị riêng biệt, an toàn nên được khách hàng ưa chuộng. HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho các đối tác tiêu thụ uy tín với giá gấp 3-4 lần thị trường.

Đồng chí Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết: “Bà Nguyễn Thị Mai là người tiên phong biến đồi đá ở vùng đất núi lửa thành vườn cam, quýt trĩu quả; góp phần hình thành nên thương hiệu cây ăn trái cho vùng đất Krông Nô. Ngành nông nghiệp huyện cũng luôn hỗ trợ, hướng dẫn các HTX sản xuất theo quy chuẩn chất lượng, đạt hiệu quả cao”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-nguoi-bien-doi-da-thanh-vuon-cay-sai-qua-744422