Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp và những điều ít biết

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến những nhà quan sát chính trị và công chúng ngạc nhiên khi chọn ông Gabriel Attal, 34 tuổi, làm Thủ tướng. Tân Thủ tướng Gabriel Attal là người vừa mới nhậm chức Bộ trưởng giáo dục Pháp tháng 7/2023.

Tân Thủ tướng Gabriel Attal là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Ngày 9/1/2024, Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Attal làm tân Thủ tướng Pháp để thay thế bà Elisabeth Borne, người đệ đơn từ chức ngày 8/1. Bà Borne, 62 tuổi, nhậm chức hồi tháng 5/2022 và là nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Pháp.

Ông Gabriel Attal bắt đầu tham gia chính trị ở tuổi 23 với vị trí chuyên viên của Bộ Y tế Pháp. Hơn 10 năm sau, ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Pháp.

Dưới đây là 11 điều khác cần biết về tân Thủ tướng Gabriel Attal.

1. Người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron từ sớm nhưng không phải là thành viên thân cận

Thủ tướng mới của Pháp đã rời Đảng Xã hội vào năm 2016 để ủng hộ nỗ lực tranh cử Tổng thống của Bộ trưởng Kinh tế lúc đó là ông Emmanuel Macron. Bất chấp sự ủng hộ lâu dài của ông dành cho Tổng thống, ông Attal chưa bao giờ được liệt kê trong số các đồng minh và người thân tín nhất của ông Macron. Điều này khác với Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Sébastien Lecornu và cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Julien Denormandie, khi cả hai đều được xem là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng.

Thủ tướng mãn nhiệm Elisabeth Borne mỉm cười với Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal trong lễ bàn giao nhiệm vụ tại Paris (Pháp). Ảnh: AP

2. Chuyên gia giao tiếp và am hiểu chính trị

Sơ yếu lý lịch của tân Thủ tướng Gabriel Attal cho thấy ông là người am hiểu chính trị và là người phát ngôn viên của nhiều tổ chức chính trị. Năm 2018, ông là người phát ngôn của La République En Marche (phong trào ủng hộ ông Macron). Tiếp đó, ông có 2 năm làm phát ngôn viên của Chính phủ Pháp từ năm 2020 đến năm 2022. Đây là khoảng thời gian nước Pháp trải qua đại dịch Covid-19 và Tổng thống Macron tái tranh cử. Trong vai trò phát ngôn viên, ông Attal đã có những kế hoạch truyền thông gây ấn tượng trước công chúng.

3. Thủ tướng Pháp đầu tiên công khai đồng tính

Gabriel Attal công khai là người đồng tính ngay sau khi gia nhập Chính phủ Pháp vào năm 2018. Ông Gabriel Attal sống cùng ông Stéphane Séjourné (sinh năm 1985) là một luật sư, chính trị gia người Pháp được bầu làm Thành viên Nghị viện châu Âu năm 2019. Ông Séjourné đã cố vấn cho ông Emmanuel Macron trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017. Năm 2022, ông Séjourné trở thành Tổng thư ký của phong trào Phục hưng.

4. Chính trị gia mới được yêu thích của Pháp

Xếp hạng ưa thích của ông Gabriel Attal đã tăng vọt trong sáu tháng qua khi sự chú ý của giới truyền thông ngày càng tăng. Đây được xem là cơ sở để ông vượt qua cựu thủ tướng và ứng cử viên tổng thống Edouard Philippe trở thành chính trị gia được yêu thích nhất nước Pháp trong cuộc thăm dò vào tháng 12/2023.

Ông Gabrial Attal trên cương vị người pháp ngôn của Chính phủ Pháp năm 2020

5. Được bạn cùng lớp "bầu làm tổng thống"… 12 năm trước

Bí quyết chính trị của Attal đã được thể hiện đầy đủ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012 trong những năm đại học của anh ấy, với các bạn cùng lớp tại Sciences Po. Trường Sciences Po (hay còn gọi là Học Viện khoa học chính trị Paris) là một cơ sở đào tạo nổi tiếng của Pháp. Trường được thành lập từ năm 1872 và chuyên đào tạo về lĩnh vực Khoa học xã hội – chính trị. Trong thời gian theo học tại đây, ông Attal khi đó được đánh giá là vị tổng thống tương lai của nước Pháp.

6. Bị bắt nạt khi còn là thiếu niên

Attal theo học tại trường tư thục danh tiếng l'Ecole Alsacienne của Paris (Pháp) cùng với Juan Branco, cựu luật sư của Julian Assange (nhà hoạt động chính trị người Úc, có công sáng lập WikiLeaks vào năm 2006).

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Attal cho biết từng bị bắt nạt nhiều lần với thủ phạm là Branco. Tuy nhiên Juan Branco đã phủ nhận điều này.

7. Một cựu thành viên Đảng Xã hội được những người bảo thủ tôn trọng

Ông Gabriel Attal gia nhập Đảng Xã hội Pháp vào năm 2006 nhưng đã thu hút được sự chú ý tích cực từ các nhà bình luận cánh hữu và các nhân vật chính trị. Ông Attal bắt đầu thời kỳ làm bộ trưởng giáo dục của mình bằng cách cấm trang phục abaya (loại áo choàng dài đôi khi được phụ nữ Hồi giáo mặc) trong trường học. Việc làm này của ông Gabriel Attal được Chủ tịch Đảng Cộng hòa Pháp Eric Ciotti cho là "can đảm". Báo La Tribune từng đưa tin, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (thuộc đảng Bảo thủ cuối cùng của Pháp) được cho là đã thúc đẩy ông Attal cân nhắc việc tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2027.

Ông Gabriel Attal rời Đảng Xã hội Pháp vào năm 2016 để ủng hộ nỗ lực tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron (bên phải). Ảnh: AFP

8. Từ chối làm Bộ trưởng Y tế Pháp

Mặc dù có kinh nghiệm làm việc tại Bộ Y tế và cách ông xử lý các vấn đề của chính phủ trong đại dịch Covid-19 với tư cách người phát ngôn, ông Attal đã từ chối lời đề nghị phụ trách hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pháp vào mùa hè năm 2023 trong cuộc cải tổ nội các của Tổng thống Macron.

9. Một nền giáo dục đặc quyền

Sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Attal đã bị một số đối thủ chính trị chỉ trích vì cho rằng ông chỉ theo học tại các trường tư trong thời thơ ấu. Mặc dù thừa nhận mình lớn lên "may mắn", ông Attal cũng nhấn mạnh "những khó khăn" mà anh đã trải qua. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp TF1, ông đã đề cập đến những khó khăn này trong đó có việc ly hôn của cha mẹ mình. Cha của ông Attal, nhà sản xuất phim Yves Attal, qua đời năm 2015.

10. Nền tảng tôn giáo và văn hóa hòa trộn

Cha của Attal, ông Yves, là người gốc Do Thái gốc Tunisia. Một phần gia đình ông đã phải di cư trong Thế chiến thứ hai. Mẹ ông là người theo Cơ đốc dòng Chính chính thống giáo có nguồn gốc từ Nga.

11. Được đệ nhất phu nhân Brigitte Macron ủng hộ

Với tư cách là bộ trưởng giáo dục, ông Attal đã làm việc chặt chẽ với bà Brigitte, phu nhân của Tổng thống Emmanuel Macron, một cựu giáo viên quan tâm đến lĩnh vực này. 2 người có nhiều hoạt động hướng đến việc để xóa bỏ nạn bắt nạt trong trường học. Đệ nhất phu nhân Pháp ủng hộ một số đề xuất chính sách của vị bộ trưởng trẻ, bao gồm cả việc ông thúc đẩy thử nghiệm quy định về đồng phục bắt buộc cho học sinh.

Đăng Dương (Theo Politico)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/11-dieu-khac-biet-ve-thu-tuong-tre-nhat-lich-su-phap-2024011014452467.htm