Thủ tướng: Thể chế kinh tế cần tháo gỡ để minh bạch, bình đẳng hơn

Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng nay (17-5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, phấn khởi.

Chính phủ đã giải quyết nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương cần chuyển lời nói thành hành động.

"Hôm nay, các doanh nghiệp nói nhiều đến hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Ngay lúc 13h hôm nay, tôi đã ra Chỉ thị số 20 yêu cầu không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần"- Thủ tướng thông báo.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp là Chính phủ không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn có an toàn; An toàn cả vốn đầu tư kinh doanh; Không chỉ chi phí thấp mà cả rủi ro thấp; Không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn có chống hàng giả, hàng nhái.

Thủ tướng đánh giá, với việc thực hiện Nghị quyết số 35, "1 năm qua Chính phủ và địa phương đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân. Tuy nhiên, tính gay gắt của hội nghị lần này đã giảm nhiều so với hội nghị lần 1 cách đây 1 năm tại TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp đã có góp ý cụ thể hơn".

Thủ tướng đánh giá cao việc các bộ, ngành địa phương đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Việc thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, chi phí thuế giảm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Đó là thể chế, chính sách chưa giải quyết được triệt để những tồn tại, đặc biệt là các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, hợp chuẩn... khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

Quy định về doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều điểm chưa hợp lý.

"Chính phủ tiếp thu ý kiến cần xây dựng thể chế chính sách bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế kinh tế cần tháo gỡ để minh bạch, bình đẳng hơn"- Thủ tướng nói.

Trước thực tiễn doanh nghiệp còn chịu thuế, phí cao, điều kiện kinh doanh gây khó khăn nên còn hiện tượng "cò", giá thuê đất, phí BOT cao, chi phí giải phóng mặt bằng cao, một bộ phận cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp, Thủ tướng rất trăn trở.

Người đứng đầu Chính phủ cam kết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng, trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”...

Bình luận sau hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) đánh giá rất cao việc tổ chức đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp. "Có ý kiến cho rằng hội nghị còn mang tính hình thức, nhưng theo tôi, Chính phủ đã lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hơn. Việc lãnh đạo Chính phủ làm việc đến tận 14 giờ, không nghỉ trưa cũng tác động đến lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương theo hướng tích cực.

Quyết định chọn năm nay làm năm giảm phí cho doanh nghiệp rất thiết thực vì phí cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện tại doanh nghiệp đang bị tăng nhiều loại phí như: phí BOT, phí cầu đường, chi phí thủ tục hành chính...

Điều này không dễ thực hiện nhưng Thủ tướng đã nói, đã đến lúc chuyển lời nói thành hành động"- ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Hội nghị đã nhận được 1.098 kiến nghị của doanh nghiệp và 850 kiến nghị đã được giải quyết.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-the-che-kinh-te-can-thao-go-de-minh-bach-binh-dang-hon/728236.antd