Thủ tướng Singapore thăm chính thức Việt Nam: 5 lĩnh vực kinh tế nào được hai quốc gia đẩy mạnh phát triển?

Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã phê duyệt việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức, và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ những thay đổi của khu vực và thế giới trong thời gian qua.

Theo đó, Hiệp định khung sau khi nâng cấp sẽ gồm 05 trụ cột bao gồm: Kết nối năng lượng; Phát triển bền vững; Cơ sở hạ tầng; Kỹ thuật số và Đổi mới sáng tạo; Kết nối (các lĩnh vực như Giáo dục, Tài chính, Công nghệ thông tin và Viễn thông, Du lịch, Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ, Giao thông vận tải).

Thủ tướng Lý Hiển Long vui vẻ vẫy tay chào người dân Thủ đô.

Đây là 05 lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định khung kết nối hai kinh tế được nâng cấp sẽ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ ngày 27 - 28/9/2023.

Được biết, ngày 27/8/2023, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại kiêm Bộ trưởng Nhân lực Singapore, ông Tan See Leng.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore.

Tham dự Hội nghị, có đại diện của các Bộ, ngành của Việt Nam và Singapore liên quan tới các hoạt động hợp tác kinh tế thuộc 05 trụ cột, bao gồm Kết nối năng lượng; Phát triển bền vững; Cơ sở hạ tầng; Kỹ thuật số và Đổi mới sáng tạo và Kết nối (bao gồm các lĩnh vực như Giáo dục, Tài chính, Công nghệ thông tin và Viễn thông, Du lịch, Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ, Giao thông vận tải.

Tại Hội nghị lần này, hai bên đã thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được kể từ Hội nghị lần thứ 16 (Singapore, tháng 12/2022) đến nay. Đồng thời, thông báo cho nhau tình hình triển khai Bản ghi nhớ về Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore đã được ký năm 2022. Hai bên cũng đã thảo luận về phương hướng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng, phát triển bền vững.

Thông qua Hội nghị Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore lần thứ 17, Việt Nam đã khẳng định các quan điểm và mối quan tâm của mình trong hợp tác kinh tế với Singapore nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; đề nghị phía Singapore nỗ lực phối hợp triển khai, thực hiện các sáng kiến mới trong khuôn khổ Hiệp định kết nối; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đưa ra các đề xuất hợp tác mới và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Chia sẻ về hợp tác đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Việt Nam đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái (tích hợp yếu tố xanh tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng).

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề nghị Singapore mở rộng và đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam như điện tử chế tạo chíp, vật liệu bán dẫn, chế tạo thông minh, kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng sạch/tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, thành phố thông minh…; hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên, hóa lỏng.

Đáng chú ý, về lĩnh vực năng lượng, đây là trụ cột hợp tác mới rất quan trọng được bổ sung trong Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore với nhiều tiềm năng hợp tác. "Tại Hội nghị lần thứ 16, chúng ta đã trao đổi sơ bộ về khả năng hợp tác về năng lượng tái tạo để có thể bán điện sang Singapore từ các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bày tỏ quan tâm tới khả năng xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore. Để có thể triển khai việc này, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ thành lập Tổ công tác để rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về việc xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore, đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan như: Luật Điện lực, Luật Biển Việt Nam, Quy hoạch điện 8.

Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore được ký kết giữa hai Chính phủ vào năm 2005 là Chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 06 nội dung cụ thể, bao gồm: Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Công nghệ thông tin và Truyền thông; Đầu tư; Thương mại và Dịch vụ. Với mục tiêu phát triển những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới giữa hai nước, Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã thống nhất mở rộng thêm 02 nội dung mới như hợp tác năng lượng, phát triển bền vững vào Hiệp định khung.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ASEAN về số vốn rót vào Việt Nam

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ASEAN và đứng thứ 2 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với hơn 3.200 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 73,5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Singapore đạt 690 triệu USD với 153 dự án, đưa Singapore trở thành quốc gia lớn thứ 10 trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. 14 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) hiện diện trên 10 tỉnh, thành của Việt Nam là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Về thương mại, hai nước luôn nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Năm 2022, quy mô thương mại giữa hai nước đã đạt 9,15 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,5 tỷ USD.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thu-tuong-singapore-tham-chinh-thuc-viet-nam-5-linh-vuc-kinh-te-nao-duoc-hai-quoc-gia-day-manh-phat-trien-1094946.html