Thủ tướng phê duyệt 269.084 biên chế công chức năm 2017

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 là 269.084 biên chế công chức.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.

Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2017. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 268.084; trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 109.146 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 157.853 biên chế; các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 1.000.

Quyết định cũng phê duyệt, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.

Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức quy định ở trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu của trường trung cấp, cao đẳng.

Cụ thể, Nghị định quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập, cho phép thành lập khi có đề án thành lập và đáp ứng các điều kiện sau:

1- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ, cơ quan ngang bB, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ); quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND). Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.

2- Quy mô đào tạo: a) Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Quy mô đào tạo trình độ sơ cấp tối thiểu 150 học sinh/năm; b) Đối với trường trung cấp: Quy mô đào tạo trình độ trung cấp tối thiểu 250 học sinh/năm; c) Đối với trường cao đẳng: Quy mô đào tạo trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp tối thiểu là 500 học sinh, sinh viên/năm.

3- Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m 2 ; đối với trường trung cấp là 20.000 m 2 ; đối với trường cao đẳng là 50.000 m 2 .

4- Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 5 tỷ đồng; đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng; đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.

5- Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này (dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật, Nghị định quy định cơ sở phải bảo đảm các điều kiện theo quy định trên và các điều kiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 18 của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ về điều kiện thành lập, cho phép thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng. Theo đó, trường trung cấp, trường cao đẳng phải có đề án thành lập, cho phép thành lập phân hiệu, bao gồm các nội dung sau:

1- Sự cần thiết thành lập phân hiệu; 2- Tên gọi, phạm vi hoạt động phân hiệu; 3- Kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo tương ứng với từng giai đoạn phát triển phân hiệu; 4- Dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng các điều kiện về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xuống địa bàn cấp quận, huyện.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-phe-duyet-269084-bien-che-cong-chuc-nam-2017-a303317.html