Thủ tướng Phan Văn Khải với việc phát huy tính năng động sáng tạo của TPHCM

Thủ tướng Phan Văn Khải - người con của Củ Chi, TPHCM - trong cuộc đời hoạt động cách mạng đã luôn gắn bó với thành phố và luôn coi trọng việc phát huy tính năng động, sáng tạo của thành phố.

1.

Sinh ra ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng - lúc 8 tuổi đồng chí Phan Văn Khải đã là một liên lạc viên, năm 1946 vào Đội Thiếu nhi cứu quốc và công tác thiếu nhi ở xã; sau đó được điều về Huyện đoàn, rồi Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Gia Định.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đồng chí Phan Văn Khải có 14 năm làm việc tại TPHCM, có giai đoạn cùng làm việc với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… trong những năm tháng rất khó khăn của thành phố. Khi đó rất thiếu gạo, thành phố phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu người; nhà máy thiếu nguyên liệu, thiếu điện, sản xuất bị đình trệ… Đồng chí đã cùng Thành ủy lãnh đạo nhân dân kiên cường vượt qua. Những người làm việc cùng thời với đồng chí cho rằng, lãnh đạo bấy giờ rất có uy tín bởi tất cả hành động đều vì lo cho dân, cùng chung tay tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thành phố.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dự họp mặt truyền thống Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 23-2-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những năm làm Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chí đã tập trung lo phát triển công nghiệp, khôi phục sản xuất, tạo ra nguồn vốn, cân đối vật tư, chăm lo đời sống cho công nhân và người lao động… Đây cũng là những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho sức sản xuất phát triển.

Để sử dụng tối đa năng lực sản xuất kinh doanh trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 62/1987 “Quy định quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị kinh tế quốc doanh trên địa bàn thành phố và các quận/huyện”. Theo đó, các đơn vị kinh tế quốc doanh có quyền tự chủ từ việc hoạch định kế hoạch, vật tư, lao động, tiền lương, tài chính, giá cả, quan hệ với ngân hàng, ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Cung cách quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật và vùng lãnh thổ đã được đặt ra lúc bấy giờ.

Những năm công tác ở TPHCM, đồng chí Phan Văn Khải đã cùng lãnh đạo thành phố góp phần đưa thành phố vượt qua những khó khăn trong điều kiện bị bao vây cấm vận và chiến tranh biên giới… Bấy giờ, thành phố không chỉ tự cứu mình mà còn góp phần xây dựng đường lối đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng XHCN.

2.

Từ năm 1989, đồng chí Phan Văn Khải được điều động ra Trung ương, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng, rồi hai nhiệm kỳ giữ trọng trách Thủ tướng Chính phủ, cho đến năm 2006.

Nhiều năm điều hành công việc của Chính phủ, đồng chí được đánh giá là một Thủ tướng biết lắng nghe, biết tiếp nối người tiền nhiệm một cách hiệu quả. Đồng chí đã tiếp tục việc hoàn thiện thể chế. Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, được đánh giá là có sự cải cách mạnh, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế. Đồng chí là người khởi xướng việc gặp gỡ doanh nhân và là người ký Quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân trong phát triển đất nước… Trong hai nhiệm kỳ đồng chí làm Thủ tướng, kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 7%, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được bội chi, nợ công, tạo nhân tố mới cho sự phát triển.

Thủ tướng Phan Văn Khải được nhớ đến là một nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào năm 2005, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Người dân TPHCM rất nhớ về đồng chí Phan Văn Khải với tư tưởng đổi mới, sáng tạo. Những năm làm việc ở Trung ương, đồng chí vẫn luôn dõi theo và gắn bó với TPHCM. Khi biết thành phố có cách làm sáng tạo, ông chỉ đạo tổng kết, nhân lên và có những việc còn nâng lên ở tầm cả nước, như từ kết quả công tác xóa đói giảm nghèo của TPHCM đã trở thành một trong những chương trình quốc gia… Mặt khác, có vấn đề cần tháo gỡ, ông đã lắng nghe và kịp thời giải quyết.

Nghị định 93/2001/NĐ-CP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký về phân cấp cho TPHCM quản lý một số lĩnh vực (quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế xã hội; quản lý nhà đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý ngân sách thành phố; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức) tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố chủ động hơn, thúc đẩy thành phố phát triển.

3.

Những cuộc họp mặt cuối năm ở Văn phòng UBND TPHCM, đồng chí Phan Văn Khải thường hay về dự. Nơi đây đồng chí Phan Văn Khải Phan Văn Khải đã gắn bó 10 năm trong thời kỳ khó khăn nhất của thành phố trước khi bước vào công cuộc đổi mới. Ông hay dặn dò cán bộ Văn phòng UBND không được xem mình là “siêu sở”, phải rèn luyện để giỏi chuyên môn, giữ kỷ cương, không quan liêu cửa quyền, lợi dụng mối quan hệ để làm việc bất chính, thường xuyên theo sát nhịp độ phát triển của thành phố, những phát sinh mới để giúp lãnh đạo điều hành tốt, đảm bảo tiến độ phát triển.

Người dân TPHCM luôn nhớ về đồng chí Phan Văn Khải, một nhà lãnh đạo luôn muốn phát huy sức dân, phát huy truyền thống năng động sáng tạo và vai trò đầu tàu của TPHCM, một con người tận tụy vì dân.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-tuong-phan-van-khai-voi-viec-phat-huy-tinh-nang-dong-sang-tao-cua-tphcm-post719830.html