Thủ tướng Nawaz Sharif - Ba lần đứt gánh giữa đường

Ngày 28-7, Tòa án Tối cao Pakistan đã quyết định phế truất Thủ tướng nước này Na-oát Sa-ríp (Nawaz Sharif) với cáo buộc tham nhũng trong một thời gian dài. Việc ông Nawaz Sharif đột ngột bị 'hất cẳng' càng 'thêm mắm thêm muối' về 'lời nguyền' rằng các thủ tướng Pakistan không tại nhiệm trọn nổi một nhiệm kỳ kể từ khi quốc gia này giành độc lập 70 năm trước. Chỉ còn một năm tại nhiệm, nhưng ông Nawaz Sharif đã bị 'hạ bệ' lần thứ 3.

Thủ tướng Pakistan bị phế truất Nawaz Sharif. Ảnh: Telegraph.co.uk

Đứt gánh giữa đường

Thủ tướng Nawaz Sharif cầm quyền lần thứ 3 ở Pakistan và cũng là lần thứ 3 ông không cầm quyền được trọn vẹn cả nhiệm kỳ. Hai lần mất chức trước của ông Nawaz Sharif có nguyên cớ chính trị và liên quan hữu cơ đến cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị với nhau hay giữa các phe phái chính trị với giới quân sự ở Pakistan. Lần này, ông Nawaz Sharif bị Tòa án tối cao Pakistan truất quyền và không loại trừ khả năng còn bị đưa ra xét xử và phạt tù.

Theo hồ sơ của tòa án, các tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama đã cho thấy, con gái và 2 con trai của ông Nawaz Sharif sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin, Vương quốc Anh và dùng tên các công ty này để mua bất động sản ở Luân Đôn (London). Phe đối lập cáo buộc ông Nawaz Sharif không thể giải thích về nguồn gốc số tiền của các công ty nước ngoài do các con ông sở hữu, đồng thời cáo buộc ông không trung thực trước Quốc hội. Thủ tướng Nawaz Sharif và gia đình đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 28-7, giờ địa phương, với tỷ lệ phiếu tán thành 5/0, Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết về vụ kiện liên quan tới khối tài sản ở trong và ngoài nước của Thủ tướng Nawaz Sharif và các thành viên gia đình cũng như nguồn hưởng lợi xuất phát từ khối tài sản này.

Cụ thể như sau: Thủ tướng Nawaz Sharif không còn đủ tư cách để đảm nhiệm việc công; ông Nawaz Sharif không thật thà khai báo; Cục Bổn phận Quốc gia (NBA, thuộc Tòa án Tối cao Pakistan) trình tham chiếu khởi kiện Nawaz Sharif cùng gia đình và Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar trước Tòa Bổn phận ở Islamabad liên quan tới sự sở hữu của họ đối với các tài sản ở Luân Đôn trong vòng 6 tuần, cũng như liên quan tới Công ty Thép Azizia và Tổ hợp luyện kim Hill; Yêu cầu Tòa Bổn phận kết thúc xét xử trong vòng 6 tháng… và yêu cầu Tổng thống Pakistan thực hiện mọi biện pháp cần thiết theo Hiến pháp để bảo đảm tiếp tục tiến trình dân chủ.

Như vậy, với phán quyết trên, ông Nawaz Sharif đã bị truất quyền Thủ tướng Pakistan. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử 70 năm của Pakistan, Tòa án Tối cao nước này phế truất một thủ tướng đương nhiệm. Năm 2012, Thủ tướng khi đó Yousaf Raza Gilani đã bị Tòa án Tối cao phế truất vì tội coi thường tòa án, từ chối yêu cầu nhà chức trách Thụy Sĩ mở lại điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với cựu Tổng thống Asif Ali Zardari.

Cục diện không thay đổi

Ngay sau khi Tòa án phế truất chức Thủ tướng của ông Nawaz Sharif, ngày 1-8, Quốc hội Pakistan đã nhóm họp và bầu chọn ứng cử viên Shahid Khaqan Abbasi của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakisktan (PML-N) cầm quyền làm thủ tướng mới của nước này. Theo Chủ tịch Quốc hội Pakistan Sardar Ayaz Sadiq, ông Abbasi đã nhận được 221 phiếu ủng hộ trong Quốc hội gồm 342 ghế của nước này. Ông Abbasi, từng giữ chức Bộ trưởng Dầu khí của Pakistan, được biết đến là người trung thành với cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Trước khi tham gia chính trường và được bầu làm nghị sĩ Quốc hội, ông từng làm việc tại Mỹ và Saudi Arabia với tư cách là một kỹ sư điện.

Ngày 2-8, tân Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng với cuộc họp với người tiền nhiệm bị phế truất Nawaz Sharif, một dấu hiệu cho thấy cựu Thủ tướng Pakistan sẽ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình sau khi bị Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố không đủ tư cách giữ chức vụ này liên quan tới các cáo buộc tham nhũng trong một thời gian dài.

Trên thực tế, vai trò Thủ tướng của ông Abbasi được cho là chỉ tạm thời trong thời gian 45 ngày. Đây là thời gian để ông Shahbaz Sharif, 65 tuổi, Tỉnh trưởng Punjab và là em trai cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, giải quyết chuyển giao quyền lực ở Punjab để lên nắm quyền tại Islamabad. Chính khách này không dính đến cáo buộc nào trong cuộc điều tra liên quan đến gia đình ông Nawaz Sharif. Hơn nữa, ông Shahbaz Sharif chính là người được Đảng PML-N cầm quyền chỉ định làm Thủ tướng mới của Pakistan kế nhiệm ông Nawaz Sharif. Tuy nhiên, theo luật của Pakistan, Thủ tướng phải là một thành viên Quốc hội, trong khi ông Shahbaz Sharif hiện không phải là thành viên Quốc hội. Do vậy, trước hết ông Shahbaz Sharif phải tranh cử một ghế nghị sĩ trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Thủ tướng.

Giới phân tích cho rằng, khoảng trống quyền lực mà Thủ tướng Nawaz Sharif để lại chỉ mang tính hình thức, vì trên thực tế, việc chuyển giao quyền lực cho em trai sẽ giúp ông Nawaz Sharif tiếp tục duy trì được các chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Thậm chí nhiều nhà quan sát còn dự đoán cựu Thủ tướng Nawaz Sharif sẽ sử dụng sự kiện này để chứng tỏ mình là một “nạn nhân chính trị” và tận dụng nó trong cuộc bầu cử vào năm tới. Điều này có thể đánh trúng tâm lý của một bộ phận không nhỏ cử tri ủng hộ ông và em trai tại bang Punjab.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thu-tuong-nawaz-sharif-ba-lan-dut-ganh-giua-duong/