Thủ tướng Lý Hiển Long nói cuộc khủng hoảng Triều Tiên 'rất khác biệt'

Nhà lãnh đạo Singapore lên tiếng cảnh báo kịch bản theo chiều hướng xấu, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản có vũ khí hạt nhân.

Ẩn họa từ cuộc khủng hoảng kéo dài

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở bán đảo Triều Tiên có thể dẫn đến việc Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai vũ khí hạt nhân của riêng mình và tạo nên một kịch bản có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, người đứng đầu Singapore cảnh báo.

Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 19/10 rằng, “sự khác biệt trong đợt khủng hoảng lần này là đang có nhiều vũ khí hạt nhân hơn... vì vậy rủi ro càng cao".

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Cho đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử hạt nhân cùng với hàng loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.

Căng thẳng leo thang gần đây trong bối cảnh một loạt các màn khẩu chiến thù địch giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un diễn ra.

Trong khi đó, Phó Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Triều Tiên hồi đầu tuần cảnh báo, "chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào".

Hàn Quốc và Nhật Bản – hai nước có thể trở thành mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên đang lựa chọn cho mình những giải pháp khác nhau, trong đó cân nhắc việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở cả hai nước.

"Nếu đi theo thực tế đó, cả Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đi qua ngưỡng cửa trở thành cường quốc hạt nhân và Đông Bắc Á sẽ mang đến những chiến lược và cân bằng an ninh rất khác”, Thủ tướng Lý nói.

Không chỉ kịch bản mới sẽ tạo ra nhiều rủi ro và căng thẳng mà "người Trung Quốc sẽ rất lo lắng", ông nói thêm. "Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ làm thế giới an toàn hơn, hay mang đến ý nghĩa ở đâu đó".

Những căng thẳng hiện nay không chỉ nguy hiểm vì nguy cơ bùng phát xung đột ngay lập tức, mà còn vì những hậu quả dài hạn khác, nhà lãnh đạo 65 tuổi nhận định.

Liệu vũ khí hạt nhân có trở lại Hàn Quốc?

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thảo luận về triển vọng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ trở về nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Washington triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc vào năm 1958, nhưng đã rút về vào năm 1991.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đề nghị đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản vào tháng trước. Tuy nhiên, tuyên bố chính thức của Chính phủ hai nước đã bác bỏ ý tưởng trên.

Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington vào ngày 23/10. Trong chuyến thăm của mình, ông Lý kỳ vọng sẽ ký một thỏa thuận mua thêm máy bay giữa Singapore Airlines và Boeing.

Nhà lãnh đạo ở quốc gia Đông Nam Á cũng đề cập đến cánh cửa mở cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi nói rằng, Mỹ rút khỏi không có nghĩa dòng vốn đầu tư bị bỏ rơi.

Không giống như Tokyo vẫn hy vọng cho sự trở lại của Washington đối với hiệp định thương mại tự do, ông Lý cho biết, bản thân không mong đợi Nhà Trắng sẽ thay đổi suy nghĩ. Thay vào đó ông đang chờ đợi một cơ chế hợp tác đa phương mới.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-ly-hien-long-noi-khung-hoang-trieu-tien-rat-khac-biet-a343289.html