Thủ tướng: Kiếm soát chặt việc vay, không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án thua lỗ

Tại phiên trả lời chất vấn sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận việc sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí và khẳng định không lấy tiền thuế của dân để xứ lý các dự án lỗ.

Sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Phi Thường “Chính phủ có giải pháp gì để khai thác nguồn lực tài sản công”, Thủ tướng thừa nhận “việc sử dụng tài sản công còn rất nhiều lãng phí”.

Theo Thủ tướng phải áp dụng nhiều hình thức kiểm soát chặt, chế tài mạnh, thực hiện hình thức khoán. Thủ tướng cho rằng đây là một khâu yếu mà Chính phủ phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trả lời quan điểm của Thủ tướng trong việc xử lý 5 dự án nghìn tỷ, thua lỗ làm mất vốn Nhà nước, Thủ tướng khẳng định sẽ “không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án lỗ".

Về nợ công, Thủ tướng cho rằng có ý kiến cho rằng nợ công đang tăng nhanh vượt trần cho phép, Thủ tướng khẳng định thời gian tới sẽ kiểm soát chặt việc vay và sử dụng các khoản vay, tiếp tục cơ cấu nợ công theo hướng giảm rủi ro, giảm chi phí vay vốn, công khai thông tin về nợ công.

Về chống tham nhũng lãng phí, Thủ tướng thẳng thắn: “Làm nhiều nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu”. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ làm tốt công tác kiểm soát thu nhập, loại bỏ lợi ích nhóm...

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, xóa bỏ tư duy cuối nhiệm kỳ, không có vùng cấm. Thủ tướng khẳng định tinh thần tiết kiệm vẫn chưa cao, cần quản lý chặt chẽ chi tiêu và mua sắm tài sản của nhà nước, nhất là trong tổ chức hội nghị, đi công tác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn ngày 17/11

Kinh tế tự chủ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng nói nền kinh tế Việt Nam có quy mô GDP chưa đến 200 tỉ USD, quy mô như vậy còn khá nhỏ, nợ công tỷ trọng lại cao.

Chỉ tiêu phát triển GDP 6,7% trong giai đoạn tới là khó nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm, đề ra nhiều biện pháp từ đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công. Tạo môi trường tốt hơn nữa đề người dân hăng hái lao động tạo thêm nguồn lực.

Về sự tự chủ độc lập của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết hội nhập sâu rộng nhưng phải luôn độc lập tự chủ. Trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, vào một đối tác... phải có nhiều biện pháp mới thực hiện được, trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát huy các thế mạnh của Việt Nam, mở rộng thị trường.

Thủ tướng khẳng định sự tự chủ về kinh tế sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự chủ, độc lập về chủ quyền.

Năng lực, phẩm chất của thành viên Chính phủ

Trả lời câu hỏi của Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá thế nào về năng lực, phẩm chất của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, về phẩm chất, trí tuệ của các thành viên Chính phủ mà đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, Thủ tướng nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng cùng chung một bàn tay, cùng hướng về lợi ích của dân.

Trong 27 thành viên Chính phủ có rất nhiều đồng chí xuất sắc, có nhiều đồng chí mới nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. Cùng quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính và kiến tạo, và hơn ai hết các thành viên Chính phủ phải thể hiện tinh thần đó”.

>> Thủ tướng: Có TPP hay không Việt Nam vẫn hội nhập kinh tế quốc tế

Nguồn NDH: http://ndh.vn/thu-tuong-kiem-soat-chat-viec-vay-khong-lay-tien-thue-cua-dan-de-xu-ly-cac-du-an-thua-lo-2016111710521037p145c151.news