Thủ tướng: 'Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu'

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về thể chế, cơ chế, hạ tầng, con người.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực

Hào kiệt về Khoa học công nghệ lúc nào cũng có

Thủ tướng đã đưa ra phát biểu trên tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia", vừa diễn ra hôm nay (15/5).

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ, cùng với các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các nghiên cứu ứng dụng, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng rõ nét. Có thể khẳng định, lực lượng KHCN Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đội ngũ những người làm khoa học ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, mang lại vinh dự, tự hào cho đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu.

"Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt về KHCN lúc nào cũng có", Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền KHCN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn.

Cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thị trường KHCN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hóa sản phẩm KHCN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

"Có thể nói, KHCN và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. KHCN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.

Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực, như thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…", Thủ tướng nói.

Thu hút sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KHCN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai, trong đó có các nhà khoa học nữ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng tại buổi lễ.

Thủ tướng chỉ rõ, cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm "hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh".

Chỉ ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng như tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ lưu ý doanh nghiệp cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thu-tuong-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-la-con-duong-ngan-nhat-de-dat-cac-muc-tieu-post174988.html