Thủ tướng: Giao thông phải tổ chức thống nhất, không giấy phép con, không cát cứ

Sáng 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Cuộc họp được tổ chức sau khi Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã dành thời gian bàn sâu và cho chủ trương về phòng, chống dịch COVID-19.

Dự cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo); các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương là Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND và các ngành, đơn vị liên quan từ cấp xã tới cấp tỉnh.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19

Theo báo cáo, đợt dịch thứ 4, đến ngày 8/10, cả nước đã ghi nhận khoảng 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (đạt 91%) và 20.300 ca tử vong. Hiện nay, có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc. Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.

Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Tại 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay, TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện nới lỏng giãn cách; có 10 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện giãn cách theo phân vùng nguy cơ; có 8 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; có 4 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn.

Đến nay, có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với 1.473.200 công nhân, lao động đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”.

Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá lại tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong 2 tuần vừa qua; những kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; dự báo tình hình thời gian tới. Cuộc họp cũng đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, thực hiện thống nhất toàn quốc nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo sẽ bàn, xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch bệnh để thực hiện thống nhất trong toàn quốc; việc tổ chức đưa – đón người dân có nhu cầu về quê; các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội; an toàn giao thông, lưu thông hàng hóa; tạo việc làm việc làm và cung ứng nguồn lao động.

Các đại biểu cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và căn cứ phân tích khoa học, thực tiễn, việc Việt Nam chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể gia tăng nếu người dân chủ quan, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Các đại biểu cũng đề nghị tất cả các địa phương cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không chỉ ở những địa phương đang có dịch mà ngay cả tại các địa phương đang đón người dân trở về quê; tiếp tục duy trì, củng cố y tế cơ sở; tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất sẵn sàng các điều kiện để đón người dân trở lại làm việc và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: “Rất mừng, đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc. Trong thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa lượng lớn vaccine về nước tiêm phòng cho người dân. Đây là giải pháp an dân, tạo niềm tin cho nhân dân, là giải pháp căn cơ bảo đảm sức khỏe cho nhân dân”. Ông đánh giá: “Ban Chỉ đạo Quốc gia sau khi được kiện toàn hoạt động rất hiệu quả, bài bản, có rất nhiều quyết định đúng đắn trong những thời khắc cam go của công cuộc phòng, chống dịch. Chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương trong thời gian rất dài, nhưng tình hình rất ổn định, an sinh xã hội được chăm lo rất tốt”.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bên cạnh đó Thủ tướng đã, biểu dương tinh thần, nỗ lực lớn của các địa phương, đặc biệt là địa phương tâm dịch đã từng bước kiểm soát tình hình, thực hiện tốt 3 trụ cột: cách ly hẹp nhất, chặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, an toàn khoa học, hiệu quả và tiến hành điều trị từ xa, từ sớm, từ cơ sở, góp phần giảm tử vong.

Tuy nhiên thời gian tới, tình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không mất bình tĩnh, phải tỉnh táo, sáng suốt để tiến hành thực hiện các biện pháp có hiệu quả. Tiếp tục tổ chức thực hiện việc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn trên phạm vi hẹp nhất có thể. Trong tình hình mới công tác phòng, chống dịch cần có tư duy nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới, sát với yêu cầu thực tế.

Về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng, mở cửa đối với các hoạt động đi lại, giao thông, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ với lộ trình cụ thể, khả thi.

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước, việc khôi phục sản xuất thì phải an toàn và an toàn mới sản xuất, Bộ Y tế sẽ có quy định và phải có hướng dẫn cụ thể, nhưng tinh thần là doanh nghiệp và người dân thì phải phát huy tính chủ động, tính tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với đất nước.

Thủ tướng khẳng định, thực hiện chiến lược vaccine là vấn đề hết sức quan trọng và quyết định việc chúng ta an toàn hay không an toàn, có kiểm soát được hiệu quả dịch bệnh hay không. Cho nên tiếp tục thúc đẩy việc giao vaccine đúng tiến độ và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc, ưu tiên tiêm cho nhóm từ 65 tuổi trở lên; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc tiêm chủng vaccine khi số lượng vaccine về nhiều.

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ dự họp tại đầu cầu Chính phủ

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ dự họp tại đầu cầu Chính phủ

Về việc tổ chức cho người dân có nguyện vọng về quê Thủ tướng yêu cầu: Tăng cường tuyên truyền, vận động, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự xã hội để người dân yên tâm ở lại. Trường hợp người dân có nguyện vọng về quê, các địa phương liên quan trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để hỗ trợ, tổ chức đưa đón bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh cho người dân trong quá trình di chuyển và phòng, chống dịch, tránh gây bức xúc trong Nhân dân. Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phối hợp với các tỉnh, thành phố khác tổ chức đưa đón, thống nhất xét nghiệm cho người dân đảm bảo chu đáo, an toàn và đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch theo quy định. Các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về giao thông vận tải phải tổ chức thống nhất trên toàn quốc, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không làm mỗi nơi một kiểu nhưng phải thận trọng, an toàn, có lộ trình cụ thể. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt việc đưa đón người dân có nhu cầu về quê, đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh. Từng bước mở dần các hoạt động vận tải hành khách công cộng (đường không, đường sắt, đường bộ) trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, cần có lộ trình để có hộ chiếu vaccine, tiếp tục thống nhất các nền tảng công nghệ tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.

Các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng hỗ trợ; chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực;

Tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; triển khai chương trình phục hồi và ổn định thị trường lao động, trọng tâm là các chính sách quan tâm, hỗ trợ người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc, từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, theo dõi, hỗ trợ, chủ động hướng dẫn, xử lý các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi cho công nhân, người lao động; Các địa phương thống nhất về đi lại liên tỉnh bằng các phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới. Tiếp tục khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-COVID để sớm thống nhất sử dụng tạo tiện lợi và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân./.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hop-truc-tuyen-toan-quoc-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-896681.vov