Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc

Thủ tướng Đức Erman Olaf Scholz sẽ tới Trung Quốc cuối tuần này trong chuyến thăm 3 ngày và sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến đi Bắc Kinh của ông diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu và Mỹ đang kêu gọi rời xa, đồng thời gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc.

Khác với xu hướng này, với đội ngũ tháp tùng gồm nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, Thủ tướng Đức đến Trung Quốc như là một dấu hiệu cho thấy “sự thất bại trong nỗ lực của phương Tây nhắm đến việc “cô lập” hoặc “giảm rủi ro” đối với Trung Quốc”.

Tháp tùng ông Scholz là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đức, phản ánh sự phụ thuộc liên tục vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bất chấp những nỗ lực nhằm giảm rủi ro trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức mới tiết lộ, nền kinh tế Đức vẫn phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc về nhiều sản phẩm và nguyên liệu thô, bất chấp nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường. Mặc dù tổng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm gần 1/5 trong năm 2022 - 2023, nhưng tỷ lệ các loại sản phẩm mà Đức phụ thuộc vào Trung Quốc với hơn một nửa lượng nhập khẩu vẫn ổn định. Những danh mục này bao gồm hóa chất, máy tính và pin mặt trời...

Mercedes-Benz Tập đoàn ô tô Bắc Kinh của Trung Quốc và Chủ tịch Geely Li Shufu là 2 cổ đông hàng đầu của công ty này - cũng xác nhận rằng CEO Ola Kaellenius sẽ tham gia. Ông chủ BMW Oliver Zipse sẽ đồng hành cùng ông Scholz, theo các nguồn tin đáng tin cậy. Tương tự BMW, Miguel Lopez, người lãnh đạo Tập đoàn Thyssenkrupp của Đức, nhà sản xuất thép cho tàu ngầm, cũng sẽ góp mặt.

Hiện vẫn chưa có danh sách chính thức các CEO tham dự và có thể sẽ có thêm nhiều người tham gia khi chuyến đi kết thúc. Trong khi các công ty hàng đầu của Đức, bao gồm BASF và Volkswagen, tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc như động cơ tăng trưởng, thì một số công ty nhỏ hơn đã bắt đầu thay đổi chiến lược. Các tập đoàn cỡ trung bình của Đức đã bắt đầu thực hiện các bước để khoanh vùng hoặc tách biệt về mặt pháp lý các doanh nghiệp ở Trung Quốc của họ, nhằm cân bằng giữa việc tiếp tục tham gia vào thị trường và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu Bắc Kinh và Đài Loan xung đột.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên của ông Scholz tới Trung Quốc kể từ khi Berlin vạch ra chiến lược Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái nhằm kêu gọi “giảm rủi ro” để giảm bớt sự tiếp xúc kinh tế với cường quốc châu Á này, nhưng lại mơ hồ về các biện pháp cụ thể hoặc các mục tiêu ràng buộc. Các Thủ tướng Đức thường đi cùng nhiều phái đoàn doanh nghiệp cấp cao trong các chuyến thăm nước ngoài lớn và danh sách các nhà điều hành trong chuyến đi này nhấn mạnh vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

Trung Quốc vẫn cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp Đức, đáng chú ý nhất là các nhà sản xuất ô tô, vốn điều hành một số liên doanh địa phương với các đối tác Trung Quốc tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 11,9 tỷ euro, cho thấy các công ty Đức tiếp tục đổ tiền vào Trung Quốc - quốc gia mà Berlin gọi là đối thủ mang tính hệ thống.

Đi ngược lời kêu gọi của Mỹ và EU, các công ty Đức bày tỏ lập trường tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như kỳ vọng khai thác lớn hơn nữa tiềm năng của thị trường nước này, đồng thời nhấn mạnh lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ tại “Hội nghị bàn tròn Đầu tư vào Trung Quốc” tổ chức tại Munich tuần trước. Cuộc họp bàn tròn do Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) tổ chức đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Đức tiếp xúc với các quan chức Chính phủ Trung Quốc và nhắc lại lập trường tích cực đối với thị trường và nền kinh tế Bắc Kinh, vốn ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức để duy trì sự tăng trưởng toàn cầu. Đầu tư vào Trung Quốc đã trở thành “nhu cầu chung để phát triển” đối với cả các công ty Trung Quốc và Đức, đồng thời sự kiện này cũng giúp các công ty Đức nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Thương mại Ling Ji cho biết khi tổ chức “Đầu tư vào Trung Quốc - Hội nghị bàn tròn”. Thứ trưởng Ling cho biết phía Trung Quốc rất coi trọng hợp tác kinh tế, thương mại với Đức.

Trong gần nửa thế kỷ, Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Thương mại song phương chiếm 1/3 tổng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu. Đầu tư của các công ty Đức vào Trung Quốc chiếm 1/3 tổng đầu tư của EU vào nước này. Theo ông Ling, những thực tế này cho thấy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã tạo ra tình thế hai bên cùng có lợi và phụ thuộc lẫn nhau. Đại diện các công ty và tập đoàn kinh doanh của Đức bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Munich và Upper Bavaria cũng như các CEO của 6 doanh nghiệp lớn bao gồm BMW, Siemens và Infineon đã tham dự cuộc họp và có bài phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị bàn tròn, các lãnh đạo doanh nghiệp Đức bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất trên thế giới và là một công xưởng đúng nghĩa của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Đại diện các công ty Đức cho biết, về lâu dài, các doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, miễn là còn tuân thủ các nguyên tắc thương mại tự do. Họ cũng nhấn mạnh lập trường hoan nghênh sự cạnh tranh từ các thị trường mới nổi, phản đối chủ nghĩa bảo hộ và phản đối việc “cô lập” hoặc thậm chí cắt đứt quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc.

Trong khi Mỹ và một số nước phương Tây khác không ngừng kêu gọi “giảm rủi ro” nhắm vào Trung Quốc thì thực tế chứng minh rằng thị trường Bắc Kinh không thể thay thế được, Wang Yiwei, giáo sư tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế của Trung Quốc, nói.

Ngoài vấn đề kinh tế, Thủ tướng Olaf Scholz dự kiến cũng sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc về cuộc chiến tại Ukraine. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có ảnh hưởng đối với Nga và chúng tôi muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng mà họ có”, người phát ngôn Chính phủ Đức Hebestreit nói trong cuộc họp ngắn ngày 8/4.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thu-tuong-duc-tham-trung-quoc-i728182/