Thủ tướng Chính phủ công tác vùng Vịnh: Thảm sắc màu dệt từ sợi tơ bền bỉ

Cả trên bình diện đa phương và song phương, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới vùng Vịnh có ý nghĩa vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, khẳng định giá trị và vai trò trung tâm; vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác với Saudi Arabia.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở thủ đô Riyadh. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần đầu tiên được tổ chức tại Saudi Arabia từ ngày 18-20/10, đây là cột mốc đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ ASEAN-GCC. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị và thăm Saudi Arabia.

Chia sẻ về Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhận định quan hệ giữa Đông Nam Á với vùng Vịnh đã có từ lâu đời, kết nối như những “sợi tơ” sinh ra từ giao thoa của hai vùng đất. Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần này sẽ là “khung cửi” ghép những “sợi tơ” đó lại với nhau dệt thành bức thảm đẹp.

Theo Đại sứ Vũ Hồ, Việt Nam - thành viên của ASEAN sẽ góp phần làm “khung cửi” này trở nên vững chắc và “bức thảm” có thêm màu sắc, tạo ra sự hài hòa và bền vững cho mối quan hệ ASEAN - GCC.

Đáp ứng nhu cầu từ hai phía

Nói quan hệ ASEAN – GCC lâu đời là bởi lẽ “mối duyên” giữa hai vùng đất này bắt đầu từ năm 1990 khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Cùng năm đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC đã gặp nhau lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Hai Ban thư ký ASEAN và GCC chính thức thiết lập quan hệ từ năm 2009.

Trong nhiều thập kỷ, hai bên duy trì tiếp xúc, gặp gỡ chủ yếu thông qua các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC chính thức được tổ chức tại một nước thành viên của GCC hoặc ASEAN. Đến nay, hai bên đã tổ chức được ba Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC chính thức vào các năm 2009 (tại Manama, Bahrain), 2010 (tại Singapore) và năm 2013 (tại Manama, Bahrain).

Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á. Hiện nay, các thành viên GCC đều đã cử Đại sứ tại ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). ASEAN đã thiết lập các Ủy ban ASEAN tại thủ đô của tất cả các nước thành viên GCC.

Hội nghị cấp cao đầu tiên lần này giữa ASEAN và GCC có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Theo Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng, Hội nghcấp cao ASEAN – GCC diễn ra trong bối cảnh vai trò của ASEAN và GCC ngày càng được khẳng định tại khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, ASEAN và GCC có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế và lao động.

Đại sứ Đặng Xuân Dũng phân tích, các quốc gia trong GCC có tốc độ phát triển kinh tế cao, xã hội thay đổi, phát triển tích cực, dân số trẻ. Tổng dân số của khu vực GCC tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm, từ 26,2 triệu năm 1995 lên 56,4 triệu vào năm 2021, trong đó, phần lớn là do số người lao động nhập cư vào khu vực tăng mạnh. Theo thống kê năm 2021, tổng dân số của các quốc gia ASEAN ước tính khoảng 666,19 triệu người, gấp gần 12 lần so với dân số các nước GCC. ASEAN có nguồn nhân lực lao động dồi dào, đóng góp đáng kể cho lực lượng lao động tại các nước GCC, đồng thời là thị trường hết sức rộng lớn cho các mặt hàng xuất khẩu từ các nước GCC.

Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu các quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), PIF (Saudi Arabia, tài sản ước tính khoảng 603 triệu USD), QIA (Qatar, tài sản ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư. Đây có thể là cơ hội để các nước ASEAN tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư.

Do vậy, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho rằng, những văn kiện dự kiến đạt được trong khuôn khổ cấp cao lần này sẽ tạo thêm cơ sở và đà thúc đẩy nâng tầm quan hệ giữa hai khối, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Tại Hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và GCC sẽ thảo luận về những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC thời gian tới, dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời dự kiến thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị.

Lãnh đạo thành phố Riyadh đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm

Việt Nam góp phần làm “bức thảm” ASEAN-GCC thêm sắc màu. Bởi là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc tăng cường quan hệ giữa hai khu vực.

Những “sợi tơ” bền bỉ được Việt Nam tạo ra trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN – GCC nói chung và quan hệ giữa Việt Nam và từng thành viên GCC nói riêng. Năm 2018, Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC, thúc đẩy tổ chức và đồng chủ trì thành công cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC bên lề ĐHĐ LHQ lần thứ 73. Tại Hội nghị này, hai bên khẳng định cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, đầu tư, an ninh năng lượng và lương thực, chống khủng bố, kết nối, du lịch, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư, giao lưu nhân dân…

Đặc biệt, cả sáu nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên của Việt Nam tại Trung Đông – châu Phi với quan hệ trải rộng trong nhiều lĩnh vực gồm chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, ODA, lao động… Việt Nam và bốn nước GCC (Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE) đã mở Đại sứ quán ở mỗi quốc gia của nhau.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Hiện nay tại Việt Nam, Saudi Arabia có bảy dự án đầu tư, Kuwait có hai dự án đầu tư với khoảng hơn 3 tỷ USD. Các nhà đầu tư UAE cũng rất quan tâm và đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 74 triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Abdulrahman Al Zamil, Chủ tịch Tập đoàn Zamil. (Nguồn: TTXVN)

Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam-Saudi Arabia

Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao nhất của Việt Nam Saudi Arabia kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010); đồng thời diễn ra khi hai nước hướng tới chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, nâng tầm quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thương mại, đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao... tại Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập thị trường Saudi Arabia, thúc đẩy Saudi Arabia tăng cường tiếp nhận lao động có tay nghề cao của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, dự kiến một số Bản ghi nhớ được ký kết, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên những lĩnh vực cụ thể.

Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia thời gian qua có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, du lịch… Hai nước có nhiều điểm chung như đều có vai trò ngày càng tăng tại khu vực, chính sách đối ngoại rộng mở và tăng cường quan hệ hữu hảo với các nước, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể phục vụ. Saudi Arabia là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Trong bảy tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 608,2 triệu USD sang Saudi Arabia, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu trên 956,5 triệu USD, giảm 11,4%. Giá trị nhập siêu hàng hóa đã giảm từ mức hơn 699 triệu USD xuống còn hơn 348 triệu USD, cho thấy các sản phẩm của Việt Nam ngày càng khẳng định được chỗ đứng tại thị trường này.

Như vậy, xét ở cả góc độ đa phương và song phương, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng, vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, khẳng định giá trị và vai trò trung tâm; vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia.

Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-chinh-phu-cong-tac-vung-vinh-tham-sac-mau-det-tu-soi-to-ben-bi-246674.html