Thủ tướng chấn chỉnh công tác cải cách thủ tục để hiệu quả hơn, thiết thực hơn

Công điện vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong các quy định.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát TTHC và chỉ đạo công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia – Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Công điện nêu rõ: Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát TTHC và chỉ đạo công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia. Qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC, từng bước đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Trà Lê, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC Khối Kinh tế tổng hợp (Cục Kiểm soát TTHC – đơn vị tham mưu về cải cách hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ) làm rõ thêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm chấn chỉnh, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát TTHC đã được thể chế hóa, các chỉ đạo cụ thể về công tác cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác cải cách, kiểm soát TTHC trong thời gian tới.

Cụ thể là việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; tập trung hực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2025,

“Những nhiệm vụ này để bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ”, bà Trà Lê nhấn mạnh và cho biết nhiệm vụ này đã được nêu cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bà Trà Lê nhấn mạnh về việc Công điện yêu cầu thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Nghị quyết, Quyết định để công tác cải cách TTHC sớm đi vào cuộc sống.

Nâng cao hiệu quả phản ứng chính sách thông qua việc xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quy định, TTHC và trước mắt các bộ, ngành cần xử lý dứt điểm 396 phản ánh kiến nghị theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.

Triển khai Công điện này, theo bà Trà Lê, Cục Kiểm soát TTHC sẽ tiếp tục tham mưu với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao một cách hiệu quả, thực chất.

Văn phòng Chính phủ cũng định kỳ hằng tháng tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đầu cầu trực tuyến UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ về công tác cải cách TTHC trong cuộc làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tháng 6/2023 – Ảnh: VGP

TTHC nhiều lĩnh vực vẫn là “rào cản” với sản xuất, kinh doanh

Trong Công điện vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC.

Trước đó, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp/trực tuyến với nhiều bộ, địa phương như: Tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải về công tác kiểm soát TTHC và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đều nhấn mạnh trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC, kết quả bước đầu có tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tập trung xử lý, tháo gỡ kịp thời như: TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính Nhà nước; việc giải quyết TTHC còn nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, người dân.

Tại nhiều bộ, địa phương công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi vẫn theo phương thức truyền thống; các hệ thống CNTT còn thiếu đồng bộ; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế; vẫn còn tình trạng “cát cứ thông tin”, dữ liệu chưa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”…

Các cuộc làm việc này cũng đã trao đổi, đánh giá về kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai để tìm các giải pháp xử lý, tháo gỡ, triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

Các bộ, địa phương cũng cho biết tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết; rà soát tinh giản thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết các TTHC thuộc các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Kết luận các cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đã đề nghị các bộ, địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC, kiểm soát quy định TTHC.

Ngoài ra, cần chỉ đạo quyết liệt, rà soát hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu và các ứng dụng của dữ liệu dân cư. Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệ về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ TTHC…

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã cập nhật 17.807 quy định tại 2.168 văn bản quy phạm pháp luật.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái trên 221 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng, số lượng hồ sơ nộp từ Cổng đạt trên 20 triệu.

Nỗ lực để cải cách hành chính, chuyển đổi số

Thực tiễn cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã nỗ lực trong công tác cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa ra những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới giải quyết TTHC.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã tham mưu để tỉnh ban hành Chiến dịch “69 ngày đêm nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” với 3 mục tiêu cụ thể: Tăng tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến; tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến và tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến.

Chiến dịch của tỉnh Cà Mau được phát động ngày 1/3/2023, sau 1 tuần, tỉ lệ có thay đổi nhưng rất chậm, vì vậy, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra để tìm hiểu lý do vì sao chưa thực hiện được mục tiêu. Kết quả sau kiểm tra cho thấy còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau nhiều lỗ lực giải quyết khó khăn, sang tuần thứ 3, cơ bản khó khăn được giải quyết, cả 3 mục tiêu đề ra bắt đầu đạt và vượt kế hoạch.

Sau 69 ngày, chiến dịch đã thành công ngoài mong đợi, đặc biệt là tỉ lệ thanh toán trực tuyến, trước đó tỉ lệ này chỉ khoảng 1% thì sau chiến dịch là 55% (mục tiêu là 35%). Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Cà Mau đề ra giải pháp tập huấn cho học sinh, sinh viên thì những người trong gia đình sẽ được con, cháu hướng dẫn bởi đây là lực lượng trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh để hướng dẫn cho người thân.

Còn Đà Nẵng có kinh nghiệm về “xây dựng và triển khai kho dữ liệu dùng chung và Cổng dữ liệu mở thành phố Đà Nẵng”. Năm 2022, Đà Nẵng đưa vào sử dụng nền tảng công dân số, cho phép mỗi người dân có tài khoản công dân số và kho dữ liệu số gắn mới mã QR duy nhất theo quy chuẩn quốc gia; cho phép người dân không chỉ kế thừa lại thông tin hành chính của cá nhân mà còn sử dụng lại các giấy tờ, hồ sơ số trong sử dụng dịch vụ công thuận tiện hơn. Đến nay, Đà Nẵng đã có khoảng 45% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số.

Đà Nẵng cũng đưa vào sử dụng kho kết quả thủ tục hành chính số để cắt giảm một số TTHC (như các thủ tục cấp lại do hư hỏng, mất), thực hiện ngay trong ngày đối với thủ tục cấp đổi, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp bản giấy thành phần hồ sơ đối với kết quả số đã có trong Kho. Triển khai trợ lý ảo (bao gồm chatbot/voicebot) tự động hướng dẫn TTHC, dịch vụ công, thông tin kinh tế xã hội,…

Nền tảng di động Da Nang Smart city cung cấp hơn 30 dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng (tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, vi phạm giao thông, giá đất, theo dõi lượng mưa…).

Những kết quả tích cực của các bộ, ngành, địa phương được ghi nhận trong Công điện mới ban hành về việc thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 đã nêu rõ thời gian gần đây, việc cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Vì vậy, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quan Công điện là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chan-chinh-cong-tac-cai-cach-thu-tuc-de-hieu-qua-hon-thiet-thuc-hon-102230714113814255.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/596753-thu-tuong-chan-chinh-cong-tac-cai-cach-thu-tuc-de-hieu-qua-hon-thiet-thuc-hon.html