Thủ tướng: 'Cần phong tỏa tài khoản DN đa cấp biến tướng để tránh tẩu tán tài sản'

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, UBND các tỉnh tùy vào phạm vi, trách nhiệm của mình tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm của công ty đa cấp biến tướng. Nếu phát hiện sai phạm cần phong tỏa tài khoản, kịp thời ngăn chặn tổ chức, việc tẩu tán tài sản.

Ảnh minh họa.

Hoạt động kinh doanh đa cấp du nhập vào Việt Nam hàng chục năm nay, tuy nhiên, hoạt động này ngày càng biến tướng, gây bức xúc trong dư luận. Quy định mới nhất điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp là Nghị định số 42, nhưng sau hơn 2 năm đi vào thực tiễn, quy định này đã bộc lộ một số bất cập, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tính đến tháng 9.2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015. Doanh thu 6 tháng của công ty bán hàng đa cấp đạt 4.000 tỉ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỉ đồng.

Tính đến tháng 8.2016, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, có 36 doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt với số tiền xử phạt gần 6,5 tỉ đồng. Báo cáo từ 63 Chi cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỉ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận; kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận; thực hiện khuyến mại bằng hình thức bốc thăm mang tính may rủi nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT/BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ rằng, việc quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra.

Bên cạnh đó, với đặc điểm là người tham gia/nhà phân phối đến tận địa chỉ của khách hàng để tư vấn nên rất khó kiểm soát về nội dung và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt người tham gia trong trường hợp người tham gia đó nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm cũng như lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ khách hàng mua hàng hoặc tham gia vào mạng lưới do mình xây dựng.

Hơn nữa, theo ông Thanh, một khó khăn nữa là các đối tượng này thường xuyên thay đổi phương thức để lôi kéo người tham gia nên dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính, kêu gọi góp vốn đầu tư nhưng thực tế toàn dự án ảo.

Ông Thanh cho rằng cần phải sửa lại Nghị định 42 theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng.

Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng này, ngày 31.10, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 30/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các doanh nghiệp đa cấp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc thẩm quyền quản lý do pháp luật quy định.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Bộ Công an cần điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, gian lận thương mại buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi cả nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, UBND các tỉnh tùy vào phạm vi, trách nhiệm của mình tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty đã cấp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm; phong tỏa tài khoản, kịp thời ngăn chặn tổ chức, cá nhân liên quan tẩu tán tài sản, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý và thu hồi tài sản phạm tội trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/thu-tuong-can-phong-toa-tai-khoan-dn-da-cap-bien-tuong-de-tranh-tau-tan-tai-san-46353.html