Thủ tục xác nhận liệt sĩ, thương binh không còn giấy tờ

Bạn đọc T.H, email: lethanhhx@xxx, hỏi: Bố tôi là thương binh 3/4, trong người ông vẫn còn mảnh đạn. Hiện tại giấy tờ liên quan chứng nhận ông là thương binh đã mất, bây giờ chúng tôi phải làm thế nào? Ông quê ở Nam Đàn - Nghệ An đi bộ đội bắt đầu từ quê, qua 2 cuộc chiến tranh. Ông thoát ly ra Hà Nội từ đó.

Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, điều 6 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ:

- Người thoát ly tham gia cách mạng hoặc hoạt động không thoát ly nhưng sau đó thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước phải có một trong các giấy tờ sau: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân…. Trường hợp không còn một trong các giấy tờ nêu trên nhưng đã được hưởng trợ cấp theo các Quyết định sau đây của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện như trường hợp không thoát ly và sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước.

- Đối với người hoạt động không thoát ly và sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước thì phải có bản khai chi tiết quá trình tham gia cách mạng, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.

Tại điểm c, khoản 2, điều 6 của Thông tư này cũng quy định: Người bị thương thuộc lực lượng quân đội, công an có vết thương thực thể nhưng không còn danh sách quân nhân bị thương do cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân khi bị thương đã giải thể hoặc không lưu giữ được. Trường hợp không có vết thương thực thể nhưng còn dị vật kim khí trong cơ thể thì phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội, công an khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể là căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.

Trường hợp của bố bạn, theo bạn trình bày, hiện nay ông không có giấy tờ chứng minh nên ông có thể yêu cầu cơ quan, đơn vị ngày trước quản lí danh sách những người bị thương trong giai đoạn đó để yêu cầu xem xét. Hoặc ông có thể sử dụng vết thương hiện vẫn còn trên người chứng minh mình bị thương khi tham gia chiến đấu để làm căn cứ, thủ tục xác nhận thương binh.

Bạn có thể liên hệ với hội Phòng LĐTBXH quận/huyện nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ ba, thứ sáu hằng tuần.

M. CHI (GHI)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/thu-tuc-xac-nhan-liet-si-thuong-binh-khong-con-giay-to-563224.ldo